GS Lương Định Của (phải) và GS Bùi Trọng Liễu
Ông Lương Định Của xuất thân trong một gia đình giàu có ở Đại Ngãi (Long Phú, Sóc Trăng). Có tiếng học giỏi, ban đầu ông đi Hồng Kông học ngành bác sĩ nhưng đến năm thứ ba lại xuống tàu sang Nhật.
Ngành nông nghiệp hồi ấy ở quốc gia này được đánh giá cao, thi đầu vào rất khó. Để chứng minh cho người Nhật rằng người Việt không phải là kém, ông đăng ký thi vào Đại học Kyushu và đỗ với số điểm rất cao. Sau một năm học tiếng, Lương Định Của được đặc cách vào ngay năm thứ ba.
Năm 1945, ông đỗ cử nhân và kết tóc xe tơ với một người đàn bà Nhật có tên Nobuko. Hồi ấy ở Nhật con gái rất hiếm người được gia đình đồng ý cho lấy chồng nước ngoài nhất là người ấy lại là “An-na-mít”.
Cũng năm đó tin tức về Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập giữa quảng trường Ba Đình dội sang đất Nhật. Ông Của mừng đến phát khóc bảo với vợ rằng: “Nước mình không còn là An Nam, người mình không còn là An-na-mít nữa mà là nước Việt Nam, người Việt Nam em ạ!”
Cái nhà nước Việt Nam non trẻ hình thành khiến cho ông nôn nóng được trở về đóng góp nhưng rồi có những người bạn tiến bộ ở Nhật khuyên nên nán lại, trau dồi thêm tri thức để khi về một nước lạc hậu có thể đem trí tuệ, tài năng phục vụ được nhiều hơn, tốt hơn.
Ông Của ở lại đất Nhật học tiếp ngành di truyền chọn giống và học lên tiến sĩ, là người thứ 96 trên toàn xứ sở hoa anh đào giành được học vị cao quý này. Chính phủ Nhật phong ông là giáo thụ của trường Đại học Kyushu.
Chức trọng, lương cao, ông Của và bà Lương Nobuko (lúc này đã mang họ chồng) và hai người con có thể sống trên nhung lụa, bạc vàng. Có người còn tới rủ ông bà sang Mỹ dạy học để phong lưu, sung sướng hơn nhưng lúc nào trong lòng ông cũng khắc khoải hai tiếng Việt Nam, hướng về Việt Bắc nơi có Chính phủ của Bác Hồ.
Không nói với ai, ông lặng lẽ tìm, chọn ra những giống lúa có năng suất cao của Nhật Bản để riêng vào một cái vali. Bà Nobuko nhớ lại: “Cái vali thóc là tài sản quý nhất, là vật bất ly thân của vợ chồng chúng tôi. Anh Của đã giữ gìn nó, bảo vệ nó như thể bảo vệ chính những đứa con của mình”.
Hành trình trở về gần một vạn cây số từ Nhật qua Hồng Kông gặp sự cố. Ông bà cùng hai đứa con là Việt và Đức bị hoãn ở lại sân bay, hành lý thất lạc hết. Họ về đến Sài Gòn với cái vali thóc giống trên tay. Đó là năm 1952.
Thấy một nhân tài hiếm hoi, chính quyền thân Pháp ra sức mời ông Của ra làm Bộ trưởng Bộ Canh nông nhưng dứt khoát ông không chịu, chỉ chấp nhận làm hợp đồng, chờ thời cơ ra Bắc. Địch đã mua chuộc ông bằng nhiều cách.
Biết ông nghiện thuốc lá và thích uống bia nên chính quyền ngụy bố trí một xe ô tô đưa ông đi đón ông về, trên đó bao giờ cũng đầy ắp bia ngon và thuốc lá hảo hạng. Không chỉ thế, một thư ký nữ rất đẹp luôn kè kè ở bên ông, nước hoa thơm nức, quần áo lụa là. Thực chất người con gái đó là một cạm bẫy mỹ nhân vì ông Của hồi ấy vẫn còn rất trẻ.
Rượu, bia, thuốc lá và gái đẹp vẫn không thể lung lay được trái tim của một trí thức lớn. Đợi mãi cuối cùng trên cũng cho người bắt liên lạc với ông Của và đưa lên chiến khu theo đường dây ra ngoài Bắc năm 1954. Bà Nobuko cùng đàn con lễ mễ cơm đùm cơm nắm theo cùng.
“Doctor of Agriculture” là tiến sĩ nông học. Thời ấy miền Bắc tiến sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay nên người ta đã tế nhị dịch thành bác sĩ nông học với nghĩa đen như kỹ sư bệnh cây. Vốn kính trọng ông, nông dân đã hiểu bác sĩ nông học là học hàm rất đặc biệt, còn quý hơn cả tiến sĩ… |
Trên đất Bắc, bà được bố trí làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam chương trình phát thanh tiếng Nhật còn ông dạy ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Có lần lên lớp thấy ông Của mặc một chiếc quần cháo lòng, đồng nghiệp hỏi thì được biết ông chỉ có hai chiếc quần kaki nhưng lội ruộng ướt cả.
Chuyện đến tai thư kí của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Người đứng đầu đất nước đã truyền lệnh đưa ông Của đi may ngay hai bộ quần áo mới. Sau này ông Của cứ trách mãi anh đồng nghiệp đã mách lẻo chuyện quần cháo lòng của mình để rầy rà đến cả Thủ tướng.
Bấy giờ Bộ Nông nghiệp bố trí cho ông bà Của một căn phòng tập thể ở Kim Liên (Hà Nội). Sau này khi Viện Cây Lương thực ở Hải Dương được thành lập ông Của được bầu làm Viện trưởng chỉ huy đạo quân chừng 70 cán bộ trẻ mới ra trường. Người ta kể rằng có những buổi chiều, ông ngồi nhìn đăm đắm ra cánh đồng và trầm ngâm: “Bà con miền Bắc làm ăn nghề nông vất vả quá! Đồng ruộng như thế này thì năng suất sao đạt cao được?”.
Ông cho lập trường công nhân kỹ thuật cạnh Viện đào tạo vừa học vừa làm. Làm là chính, học là phụ. Học để biết những kiến thức sau này làm việc ý thức hơn. Các lớp đào tạo gối nhau với sĩ số mỗi khóa khoảng trên 100 học sinh. Họ canh tác và thí nghiệm trên quy mô 150 ha đất của Viện. Ý tưởng của ông là 1 lao động, 2 đầu lợn, 5 tấn thóc trên 1 ha cây trồng, là ước mơ được giàu có như nông dân Nhật.
Có lần bằng con đường ngoại giao ta có được một số giống lúa từ nước ngoài. Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao ngay cho ông Của. Lượng thóc giống chỉ được một nhúm. Ông Của chia ra làm hai, một nửa để ở kho lạnh, một nửa đem ngâm rồi chia đôi.
Mùa đông đó rét căm căm, ông Của đem túi vải ngâm giống đó cặp vào nách, nằm đắp chăn để lấy thân nhiệt của cơ thể ủ tạo điều kiện cho hạt lúa nảy mầm. Khi hạt lúa nảy mầm được gieo ra đĩa thủy tinh, mạ lớn mới đưa ra trồng trong chậu để cho các công việc lai tạo sau này.
Ông Của là cha đẻ của giống lúa lai tạo đầu tiên ở Việt Nam. Giống Nông nghiệp I được tạo ra bằng cách lai giữa giống Ba Thắc của Nam Bộ và giống Bun Kô của Nhật.
Tiếp đó giống lúa Chiêm 314 là kết quả lai giống giữa dòng lai Đoàn Kết và Thắng Lợi. Lần lượt các giống cây trồng khác mà dân quen gọi như dưa hấu ông Của, dưa lê ông Của, khoai lang ông Của, rau muống ông Của đều là những giống có năng suất cao vượt trội so với hồi đó…
------------
(*) Tư liệu trong bài viết này được ghi theo lời kể của ông Nguyễn Quốc Tuấn và ông Trần Quý Lộc, cán bộ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.