Theo đó, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã được cấp giấy phép đầu tư năm 1993 và giấy chứng nhận đầu tư đăng ký lại năm 2008. Trong đó bên Việt Nam là Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) góp 30% vốn điều lệ và bên nước ngoài là Phu My Hung Asia Holdings Corporation góp 70% vốn điều lệ để đầu tư Dự án xây dựng, kinh doanh tuyến đường ô tô dài 17,8 km, rộng 120 m từ Q.7 đến huyện Bình Chánh (nay là đường Nguyễn Văn Linh). Số vốn này cũng nhằm đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các cụm phát triển dọc hai bên tuyến đường với tổng diện tích khoảng 600 ha, tức 5 cụm phát triển A, B, C, D, E khu đô thị mới Nam Thành phố theo quy hoạch được duyệt.
Về tỷ lệ góp vốn nói trên, UBND thành phố không chấp thuận đề nghị của bên nước ngoài giảm tỷ lệ vốn góp của bên Việt Nam.
Do Công ty IPC là công ty nhà nước hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, công ty TNHH một thành viên không được giảm vốn điều lệ.
Vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam đã được đưa vào vốn điều lệ của doanh nghiệp. Việc giảm tỷ lệ vốn góp bằng cách giảm số vốn trong liên doanh sẽ làm giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Tóm lại, việc bên nước ngoài đề nghị bên Việt Nam điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn góp của mình trong Công ty Phú Mỹ Hưng là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Hơn nữa, Công ty Phú Mỹ Hưng đang hoạt động có lợi nhuận, nếu giảm tỷ lệ góp vốn thì ảnh hưởng đến quyền lợi của bên Việt Nam, sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước. Thực tế, số vốn góp của bên Việt Nam cao hơn tỷ lệ được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.
UBND thành phố đã yêu cầu bên Việt Nam trong liên doanh đàm phán với bên nước ngoài giữ tỷ lệ góp vốn của bên Việt Nam hoặc tăng tỷ lệ vốn góp của bên Việt Nam tương ứng với vốn góp thực tế.
Về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu B, C, D, E còn lại và tái định cư, UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty IPC tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, Công ty Phú Mỹ Hưng chi trả kinh phí bồi thường. Công ty IPC không được sử dụng vốn của doanh nghiệp để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án của Công ty Phú Mỹ Hưng.
Trường hợp hai bên liên doanh trong Công ty Phú Mỹ Hưng không thống nhất được về kinh phí chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng theo chỉ đạo của UBND thành phố, giao Công ty IPC đề xuất ngừng bồi thường giải phóng mặt bằng còn lại, chỉ thực hiện dự án trên diện tích hiện có.