Dẫn nguồn tin ngoại giao thuộc Cơ quan Đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu (EU), hãng tin Itar-tass cho biết: “Pháp, Đức, Luxembourg, Áo, Bulgaria, Hy Lạp, Cộng hòa Síp, Slovenia và Italy (hiện giữ chức chủ tịch EU) đều nhận thấy, trong tình hình hiện nay, không có lý do gì để áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga và sẽ phản đối dự luật này tại hội nghị thượng đỉnh”.
Theo nguồn tin ngoại giao này, các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại chống lại Nga chỉ có thể được thông qua với sự thống nhất của tất cả 28 quốc gia EU. Nhưng bất kỳ thành viên EU nào cũng có quyền phủ quyết vấn đề này. Và một khi có thành viên phủ quyết, nghị quyết trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga sẽ bị bác bỏ.
Quốc kỳ của các thành viên của Liên minh châu Âu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp.
Trong khi đó, hãng tin AP dẫn lời giới chức Mỹ lẫn châu Âu đưa tin, Washington đang cân nhắc việc đơn phương trừng phạt Nga do khủng hoảng Ukraine sau khi chính quyền Obama thất vọng trước sự lưỡng lự của châu Âu để áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn chống lại Moscow.
Theo AP, do có quan hệ kinh tế mật thiết, chặt chẽ với Nga, nhiều thành viên liên minh châu Âu e ngại, việc trừng phạt bổ sung chống lại Moscow cũng sẽ dẫn đến hậu quả, nền kinh tế của nước họ bị tổn thương.
Giới chức Mỹ cho biết, Washington vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng vì còn chờ kết quả cuộc họp của Liên minh châu Âu ngày hôm nay kết thúc.
Sự sẵn sàng và cương quyết của Nhà Trắng để đơn phương trừng phạt Nga, không cần sự hỗ trợ của châu Âu, diễn ra trong bối cảnh chính quyền Obama đang phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ phe đối lập cho rằng, họ chỉ lặp đi lặp lại những cảnh báo rỗng tuếch, vô nghĩa và không có hiệu quả kiềm chế Moscow.