Bỏ cán bộ để làm “lâm tặc”
Một ngày giữa tháng 7, sau nhiều lần gọi nhưng câu trả lời chúng tôi nhận được luôn là "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang ở ngoài vùng phủ sóng", cuối cùng chúng tôi đã chính thức nhận được cái gật đầu đồng ý hẹn gặp của ông Quang.
Khác với biệt danh "vua sao đen" và mức thu nhập tiền tỷ từ nghề trồng rừng, nơi ở của ông Quang chỉ là căn nhà cấp 4 nằm ngay con đường nhựa liên xã. Sau giây phút làm quen, ông Quang bắt đầu kể về chuyện trồng rừng của mình.
Là con trai đầu trong gia đình có 6 anh em, tuy kinh tế gia đình chỉ thuộc hàng đủ ăn nhưng không như nhiều thanh niên cùng lứa ở Tân An lúc bây giờ, ông Quang được cha mẹ cho ăn học tử tế. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế Quảng Ngãi vào năm 1991, ông Quang làm kế toán của xã. Được 2 năm, do không chịu nổi cảnh "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", với đồng lương chỉ mua được vài cân thịt nên ông bỏ việc.
Trong khi người thân chưa hết sốc vì chuyện bỏ làm cán bộ thì một lần nữa họ lại "ngửa mặt than trời" khi thấy ông Quang vác rìu, kẹp rựa vào rừng làm “lâm tặc".
Tân An nằm ở sát chân núi, đất trồng lúa và hoa màu chẳng bao nhiêu, nên công việc và nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây lúc bấy giờ là vào rừng đốn gỗ để bán. Hồi đó khu vực rừng này cây gỗ như chò, sến, lim... nhiều vô kể, nhiều cây có gốc to 2-3 người ôm mới xuể.
Vì vậy lượng người vào rừng đốn cây có ngày lên tới hàng trăm người. Cứ sáng sớm, người dân Tân An và vùng lân cận lũ lượt "cơm đùm, cơm nắm” kéo nhau vào rừng chặt cây rồi đẽo thành từng khúc vác về bán cho dân buôn gỗ trong vùng với giá từ 100.000-120.000 đồng/khúc. Vào thời điểm trên, số tiền này gấp hàng chục lần so với tiền công đi làm thuê của người dân.
Tuy nhiên để có số tiền này thì người dân cũng phải tốn rất nhiều công sức để đốn hạ, gọt đẽo. Đó là chưa nói đến việc nhiều hôm do cây đốn hạ quá lớn, rồi đường đi khó nên phải ngủ lại luôn trong rừng đến sáng hôm sau mới khiêng về.
Đi trước thời đại
Nói về việc trồng cây sao đen của mình, ông Quang thật thà: Trong thời gian làm "lâm tặc", nhiều hôm ngồi nghỉ mệt giữa rừng, ngước nhìn những cây gỗ quý cao lừng lững 30-40m, gốc to như thùng phi, tôi ước gì nó mọc ở ngay cạnh nhà mình thì sướng biết mấy. Khỏi phải tốn công sức để vận chuyển về.
Rồi chứng kiến cảnh ngày ngày, người dân trong vùng ùn ùn kéo nhau vào chặt phá thế này, tôi nghĩ đến một lúc nào đó rừng sẽ không còn cây để đốn, rồi hiểm họa về môi trường sẽ rình rập và hủy hoại chính môi trường sống của người dân nơi đây.
“Lúc đầu rừng còn nhiều, chặt một vài cây chưa thấy gì, nhưng càng về sau, thấy những cây rừng to có độ tuổi 50-70 năm lần lượt ngã xuống tôi xót xa lắm. Vì thế trong đầu mình đã nảy ra câu hỏi là tại sao dân ta không chịu trồng rừng quanh nhà mình, mà chỉ biết đi phá rừng, phá thế đến lúc còn đâu rừng nữa. Cần phải trả nợ rừng”- ông Quang trầm ngâm nhớ lại.
Cách nhà ông Quang khi đó khoảng 2-3 cây số là Lâm trường Trà Tân được cấp khá nhiều loại giống cây quý như sao đen, lát vàng, dầu... để trồng, nhưng trồng không hết nên bỏ nằm chỏng chơ trong khuôn viên. Nhiều hôm không đi rừng, ông Quang vào lấy đem về trồng, mỗi lần từ 80-90 cây, có khi vài trăm cây.
Một thời gian ngắn sau, thấy số cây mang về trồng phát triển tốt và cây giống còn bỏ nhiều, ông Quang còn "thuê" cả đứa cháu cùng vào lấy về, với tiền công 5.000 đồng/ngày. Ông Quang mang về trồng nhiều nhất là sao đen. Ban đầu thì trồng trong vườn nhà, sau đó đến khu vực rừng ở gần. Ngoài diện tích dành riêng, sao đen, lát hoa... còn được ông Quang trồng xen với các loại bạch đàn, keo.
“Bây giờ khi rừng đã bị đốn trụi, phá sạch thì mới thấy những loại cây gỗ này quý hiếm, chứ hồi đó khu vực rừng giáp giới với xã Trà Tân, huyện Trà Bồng, cây gỗ nhiều như mạ trên ruộng, không có đủ sức mà chặt nên mấy ai nghĩ đến trồng. Vì vậy thấy tôi đi làm chuyện "lạ đời" này, không chỉ người dân trong vùng mà cả cha mẹ ruột, rồi mấy anh em bà con đều nói tôi bị hâm” - ông Quang cười.
Không chỉ tiếp tục trồng mà đến năm 1995, ông Quang quyết định bỏ hẳn làm "lâm tặc" để dồn sức vào việc khai hoang và trồng sao đen, dầu...
Lấy rừng "nuôi" rừng
Và để có tiền thực hiện ý tưởng dài hơi của mình, trên diện tích đất rừng đã khai hoang của gia đình, ông Quang trồng cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn để bán. Với diện tích trên 20ha keo, bạch đàn đã mang về bình quân cho ông Quang số tiền trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Nhiều thời điểm keo, bạch đàn có giá, tiền thu về cao hơn gấp nhiều lần. “Như cách đây khoảng 3-4 năm, tiền bán keo, bạch đàn được gần 500 triệu đồng” - ông Quang không giấu giếm. Trừ khoản dành riêng để chi tiêu cho cuộc sống gia đình, toàn bộ số tiền còn lại từ bán keo, bạch đàn ông Quang dồn vào đầu tư cho trồng và chăm sóc số sao đen, lát hoa, dầu.
Giờ đây, khi hàng loạt cánh rừng đã bị người dân tàn phá đến trơ trụi; nhìn hàng ngàn cây sao đen, lát hoa, dầu... tỏa bóng che rợp cả khu vườn quanh nhà và tại nhiều khu vực rừng đồi Hố Quế, ở cùng thôn, những người từng chê bai hôm nào cũng gật đầu thừa nhận ông Quang đã hơn hẳn họ một cái đầu.
Nói về số lượng cây sao đen đang sở hữu, ông Quang lắc đầu: Chịu, bởi hồi đó chỉ biết trồng và trồng chứ chẳng để ý, hay tính làm gì. Tuy nhiên, theo ông Quang thì diện tích sao đen, dầu... đã trồng ước khoảng 6/30ha đất vườn, rừng của gia đình.
Trong đó sao đen lớn nhỏ ước cũng vài ngàn, trong đó gần 2/3 có tuổi đời từ 17-20 năm, với đường kính từ 25-35cm. Còn cây dầu và lát hoa thì ít hơn, nhưng cũng gần 1.000 cây, với tuổi đời từ 10-14 năm. Nhiều người buôn gỗ trong vùng nhẩm tính:
Với số sao đen, dầu, lát hoa đang sở hữu trong tay nếu đem sang nhượng, bán lại thì số tiền mà ông Quang có là cả chục tỷ đồng. Còn nếu chờ vài năm nữa để bán gỗ, thì số tiền còn lớn hơn gấp 2-3 lần.
Dù đã sở hữu số lượng cây lấy gỗ quý như vậy, nhưng ông Quang cho biết: “Diện tích đất rừng của tôi hiện vẫn còn rất nhiều. Theo đó tại những khu vực đồi dốc lớn, tôi sẽ tiếp tục trồng thêm sao đen và một số loại gỗ quý khác”.