Luật sư có bình luận gì về thông tin hơn 1.000 lượt cán bộ công an không nhận hối lộ trong 6 tháng đầu năm do Bộ Công an mới công bố?
- Vấn đề phòng chống tham nhũng đã và đang được tuyên truyền, phổ biến tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bộ phận cán bộ công chức nhà nước. Theo kết quả mới nhất của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm, hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ liêm khiết không nhận hối lộ, trong đó có một số cán bộ không nhận hối lộ với số tiền lớn. Đây là một con số đáng mừng cho phong trào phòng chống tham nhũng của Nhà nước ta nói chung và trong ngành công an nói riêng vì dường như, càng ngày số lượng cán bộ chiến sĩ công an từ chối nhận hối lộ càng nhiều. Điều này sẽ tạo niềm tin cho nhân dân đối với bộ máy nhà nước, tạo tiền đề cho việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Nhận hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2012. Vấn đề tham nhũng có thể gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở nước ta, trong thời gian qua, nạn tham nhũng diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, tiền, thời gian, công sức của nhân dân. Giá trị tài sản bị thiệt hại, bị thất thoát liên quan tới tham nhũng của mỗi vụ lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng.
Ở mức độ thấp hơn, việc một số cán bộ, công chức quan liêu, sách nhiễu nhân dân trong khi thực thi công vụ khiến nhân dân phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để có thể thực hiện được công việc của mình...
Theo luật sư, việc tăng nặng mức xử lý với các đối tượng đưa hối lộ có phải là một biện pháp tốt ngăn chặn tình trạng hối lộ?
- Khi người dân đến các cơ quan nhà nước để giải quyết công việc thường chuẩn bị “phong bì” nhằm giải quyết công việc một cách nhanh chóng. Từ đó tạo ra một tiền lệ không chỉ từ phía người dân mà ngay cả một bộ phận cán bộ công chức nhà nước cũng tự tạo ra cho mình một nguyên tắc, đó là muốn giải quyết nhanh chóng công việc phải nhận được phong bì. Do đó việc đẩy mạnh xử lý các đối tượng đưa hối lộ là một việc làm cần thiết trong phòng chống tham nhũng hiện nay.
Bộ luật Hình sự cũng đã quy định cụ thể về tội này. Cụ thể tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản liên quan, tội đưa hối lộ là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ, quyền hạn. Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ hoặc lợi ích của người thân quen, bạn bè, hay là lợi ích của tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện…
Xin cảm ơn luật sư!