Theo hãng tin CBS của Mỹ, trong 2 tuần gần đây, chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlnes đã thực hiện 14 chuyến bay có lộ trình hai chiều từ Kuala Lumpur tới Amsterdam và ngược lại.
Máy bay thường bay chéo qua lãnh thổ Ukraine tới biển Azov gần với khu tự trị Crimea.
Nhưng trong chuyến bay định mệnh ngày 17.7, dường như lộ trình của chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia có đôi chút khác biệt mà chưa ai dám chắc được vì sao?
Nếu như chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines tuân thủ theo đúng lộ trình hằng ngày như những gì hãng tin CBS minh họa thì chưa chắc thảm kịch ngày 17.7 đã xảy ra.
Còn tờ Daily Mail đặt câu hỏi rằng liệu phi hành đoàn MH17 có nhận được cảnh báo từ các cơ quan an toàn bay hay không khi trước đó vào tháng 4.2014, các cơ quan an toàn bay của Mỹ và châu Âu từng lên tiếng cảnh báo các phi công và các hãng hàng không tránh bay qua khu vực không phận này của Ukraine.
MH17 bị rơi khi đang bay ở độ cao 33.000 feet (tương đương hơn 10.000m) trên không phận Donetsk, miền Đông Ukraine, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng ly khai và quân đội chính phủ Ukraine.
Như vậy câu hỏi đặt ra là tại sao phi công lại chọn bay lệch đường bay thông thường và lại lệch sang khu vực đặc biệt nguy hiểm này?.
Cũng theo tờ Daily Mail, nhiều người cho rằng, phi công của MH17 phớt lờ cảnh báo về an toàn bay trên không phận Ukraine để tiết kiệm nhiên liệu vì nếu chuyển hướng vòng qua phía Bắc hoặc phía Nam thì quãng đường bay sẽ dài hơn.
Sau thảm kịch MH17 của Malaysia, Cục Hàng không liên bang Mỹ ban lệnh cấm tất cả các chuyến bay của Mỹ bay qua khu vực không phận trên. Lệnh cấm này bao trùm toàn bộ không phận Ukraine và cả bán đảo Crimea.
Nhiều hãng hàng không quốc tế cũng lên tiếng sẽ không bay qua khu vực này trong thời gian tới. Theo các chuyên gia hàng không, việc một chiếc may bay chở khách lớn bị bắn hạ là một sự việc vô cùng khủng khiếp đối với các hãng hàng không và hành khách.