Dân Việt

Quy trình nhân giống cúc bằng phương pháp kết hợp giống cấy mô và giâm hom

03/09/2014 08:01 GMT+7
Nguồn giống hoa cúc cung cấp hiện nay được sản xuất chủ yếu từ phương pháp nuôi cấy mô, giá thành tương đối cao 800đ/cây). Để giảm giá thành nhưng chất lượng giống vẫn đảm bảo chúng tôi đã nghiên cứu thành công nhân giống cúc bằng phương pháp kết hợp giống nuôi cấy mô và giâm ngọn (giâm hom, giâm cành) phương pháp này bà con nông dân có thể ứng dụng để chủ động nguồn giống chất lượng.
Các giai đoạn nhân giống ngoài vườn ươm như sau:

Cây hoa cúc cấy mô sau khi ươm được khoảng 30 ngày thì tiến hành trồng sang khu vực vườn cây nguyên liệu (cây mẹ). Vị trí vườn cây mẹ tương tự như vườn sản xuất hoa. Tuy nhiên, cần phải có một số yếu tố khác như cao ráo, kín gió và có điều kiện làm nhà che nilon đơn giản và có lưới che để điều chỉnh được cường độ ánh sáng.

img

1. Giai đoạn 1: Chọn cây

- Cây mẹ được chọn là cây cấy mô cùng một lứa tuổi sinh trưởng và phát triển như nhau của cùng một giống, ra rễ nhiều và không bị sâu bệnh.

- Địa điểm cung cấp cây giống cấy mô: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Bình Định.

2. Giai đoạn 2: Chuẩn bị luống trồng

- Đất trồng: Đất cát pha, thịt nhẹ, tơi, xốp, đặc biệt là đất phù sa, thoát nước tốt, có nguồn nước tốt không bị ô nhiễm. Độ pH phù hợp từ 6 - 6,5.

- Chuẩn bị đất: Đất phải được cày sâu, bừa kỹ, phơi ải để tăng cường hoạt động của vi sinh vật háo khí, tăng cường sự lưu thông khí trong đất. Trước khi trồng 10 – 12 ngày cần lên luống cao 10 - 15 cm. Phân được bón đều lên mặt luống. Phân bón lót gồm:

Phân chuồng hoai: 30 tấn/ ha

Urê                 25 kg/ ha

Super lân      70 - 80 kg/ha

Kali clorua    50 - 60 kg/ha

Basudin 10H (Furadan 3G) 20 kg/ha

(1,5 tấn phân chuồng + 1,2 kg Urê + 3,5 - 4 kg super lân + 2,5 - 3 kg kali clorua + 100g Basudin 10H (Furadan 3G) cho 1 sào Trung bộ)

3. Giai đoạn 3: Trồng cây vào khu vực sản xuất

- Mật độ và khoảng cách trồng: Trồng với khoảng cách 15 x 15 cm (mật độ 400.000 cây/ha).

- Cách trồng:

Chọn ngày râm mát, hoặc trồng vào buổi chiều mát. Trước khi trồng 1-2 ngày dùng Viben - C nồng độ 0,3% tưới đều lên mặt luống.

Những ngày đầu cần tưới nước hết sức nhẹ nhàng bằng béc phun, vòi sen để tránh lay gốc, trôi cây và không để các lá bị dính vào đất hoặc bùn.

Trong khoảng 7 - 10 ngày đầu, chúng ta nên sử dụng lưới che sáng hoặc lá dừa, rơm để che hoặc nếu không thì cần tưới cây liên tục 1 -2 tiếng/ lần đảm bảo cho cây không bị héo.

4. Giai đoạn 4: Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm cành

Cây cấy mô trồng trong khu vực vườn bố mẹ được khoảng 2 tuần, tiến hành bấm ngọn lần 1 nhằm mục đích tạo ra nhiều nhánh. Sau đó tiến hành phun thuốc để phòng bệnh xâm nhập vào cây thông qua vết cắt và kết hợp bón thúc lần 1 cho cây bằng phân urê với nồng độ 2g/l.

Bấm ngọn lần 2 sau 3 tuần chăm sóc: Lúc này từ một cây ban đầu sau bấm ngọn lần 2 cho ra từ 8 - 15 mầm có thể cắt đem giâm. Bấm ngọn lần này cũng có tác dụng tạo tán, tạo mầm cho cây. Sau khi bấm ngọn lần 2 xong, tiến hành phun thuốc Kasumin kết hợp với Topsin - M nồng độ 0,05 - 0,1% để phòng bệnh xâm nhập vào cây thông qua vết cắt và kết hợp bón thúc lần 2 cho cây bằng phân NPK 30-10-10 với nồng độ 2g/l và phân bón lá HVP.

Sau 3 tuần chăm sóc tiếp tục bấm ngọn lần 3. Sau đó cứ khoảng 2 - 3 tuần thì thu được một lứa mầm. Lúc này từ một cây có thể thu được từ 40 - 60 mầm. Cứ như vậy trong một vụ (khoảng 4 - 6 tháng) 1 ha vườn cây mẹ có thể cho tới 9.600.000 - 14.400.000 cây mầm giâm có chất lượng tốt, đủ trồng cho từ 20 - 30 ha vườn sản xuất. Sau mỗi vụ khoảng 4 - 6 tháng, cây mẹ đã già ta nên thay thế để làm trẻ hóa vườn cây mẹ.

* Các ưu điểm của quy trình:

- Giảm giá thành cây giống xuống thấp (100đ/cành giâm).

- Tỷ lệ cây sống sau khi ươm đạt gần 100%.

- Chủ động được cây giống phục vụ sản xuất hoa thương phẩm.

- Thời gian từ khi trồng đến khi ra hoa được rút ngắn lại khoảng  7 - 10 ngày so với cây cấy mô đem trồng sản xuất hoa thương phẩm.