Ông là "cha đẻ" của hàng trăm chiếc trống Ghinăng, Paranưng và kèn Saranai- 3 loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm.
Ông Thiên Sanh Thềm chơi thử trống Ghinăng vừa hoàn thành. |
Độc đáo nhạc cụ Chăm
Ông Thềm cho biết, kèn Saranai trước kia được làm từ ngà voi, sừng trâu. Nhưng về sau, những thứ này ngày càng khan hiếm, nên chủ yếu được làm từ gỗ me. Đặc trưng của kèn Saranai là có 7 lỗ, tượng trưng cho đầu người (miệng, hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi).
Trống Paranưng và trống Ghinăng thường được làm bằng gỗ lim, chà kít… Trống Paranưng là biểu tượng của phần thân cơ thể người. Trong 3 nhạc cụ trên thì làm trống Ghinăng là mất nhiều thời gian nhất.
" Làm một chiếc kèn Saranai mất 5 ngày, trống Paranưng khoảng 10 ngày, nhưng cặp trống Ghinăng thì phải 1 tháng"- ông Thềm cho biết.
Trống Ghinăng luôn có cặp vì nó tượng trưng cho 2 chân của cơ thể người, cùng với 2 chiếc dùi tượng trưng cho 2 tay. Ông Thềm nói: "Bộ 3 nhạc cụ biểu hiện thân thể con người. Chúng luôn đi cùng nhau, nếu tách ra sẽ không có linh hồn.
Những chiếc kèn Saranai, những chiếc Paranưng, cặp trống Ghinăng không chỉ là bảo vật, mà còn là chứng nhân cho nhiều mùa lễ hội, cho nhiều ngày vui, ngày buồn của một tộc họ người Chăm". Bằng âm thanh của những nhạc cụ này, người Chăm có thể tạo ra những vũ điệu rộn ràng trong mùa Rija Nưga, lễ Katê, lại vừa có thể tạo ra những âm thanh ai oán trong ngày tang lễ hay tiếng điệu Theimai rộn ràng trong mùa cưới.
Nghệ nhân trăn trở
Chúng tôi đến thăm nhà ông Thiên Sanh Thềm vào một ngày nắng như thiêu đốt. Ông Thềm trong bộ trang phục Chăm đang đứng giữa sân, một tay cầm dùi, tay kia cầm đục ra sức phá lõi một khối gỗ lim. Chiếc trống Ghinăng đang dần thành hình. Năm nay đã 64 tuổi, đôi tay ông vẫn rắn rỏi nổi từng cơ bắp chắc nịch như thớ gỗ. Bây giờ, hầu như ngày nào ông cũng làm trống. Trong nhà ông treo đủ loại nhạc cụ của người Chăm.
Gia đình ông Thềm có truyền thống làm trống Chăm. Năm 16 tuổi, ông Thềm được cha truyền nghề và bắt đầu theo nghề từ đó. Đến giờ, ông không nhớ mình đã để lại dấu chân ở bao nhiêu vùng rừng núi khi đi kiếm tìm những khúc gỗ lim, cà chít… đem về đục trống. Ông tâm sự: "Lên rừng không chặt phá cây lớn, mà cố tìm những cây "bỏng" (thối, khô lõi), để đem về làm trống. Vì loại cây này vừa dễ phá lõi, vừa có âm thanh vang lớn".
Trống Ghinăng sau khi đẽo xong thường có đường kính 30cm ở giữa, 20 và 25cm hai đầu, dài khoảng 78cm. Đẽo xong, đem cát đổ vào bọng trống, phơi nắng 7 ngày. Phải chọn cho được da vai của con mang đực để bịt trống. Việc hoàn thành trống Paranưng cũng công phu không kém. Ngoài việc chọn gỗ, ông Thềm còn phải chọn da của con dê đực đã có sừng dài khoảng 3 -4cm hoặc dê cái đã đẻ được 7 lứa, làm mặt trống. Để mỗi sản phẩm làm ra sẽ thành công, trước khi thực hiện làm trống, ông Thềm lại làm một mâm cúng tạ ơn những người đi trước.
Ngoài việc tạo ra sản phẩm, ông Thềm còn là một người thổi kèn, vỗ trống bậc thầy. Hầu hết nhạc cụ Chăm ông đều chơi được.
Trăn trở của ông bây giờ là ngoài ông ra, hầu như không còn ai làm trống nữa. Số người Chăm biết vỗ trống, thổi kèn cũng ít. Ông đang là nghệ nhân làm trống hiếm hoi còn lại không chỉ của cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận, mà còn của nhiều tỉnh miền Trung. Vì thế nên dù đã có tuổi, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông Thềm không bao giờ bỏ nghề.
Trầm Hương