Dân Việt

Máy lọc muối “cứu” diêm dân

24/04/2011 14:22 GMT+7
(Dân Việt) - Lượng muối do diêm dân sản xuất thừa đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng không đạt tiêu chuẩn cho công nghiệp nên nước ta vẫn phải nhập muối. Máy lọc muối “4 trong 1” ra đời đã đem lại hy vọng cho diêm dân và ngành muối...

Thạc sĩ Bùi Sơn Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ muối biển, cho biết: Mỗi năm diêm dân nước ta sản xuất ra 1,1 triệu tấn muối, trong đó 75% dùng để ăn, 15% cho công nghiệp và 10% vào việc khác.

img
Ths. Bùi Sơn Long giới thiệu quy trình hoạt động của máy lọc muối sạch "4 trong 1".

Theo tính toán của các nhà khoa học, nhu cầu muối là 6kg/người/năm. Với khoảng 87 triệu dân, mỗi năm nước ta tiêu thụ 500-600 nghìn tấn muối, sẽ dư khoảng 500 nghìn tấn muối/năm. Vậy mà chúng ta vẫn phải nhập khẩu muối…

Ông Long cho biết, "dây chuyền" sản xuất muối của diêm dân nước ta có 2 dạng, dạng "thấm cát" và phơi nắng, đều có quy mô nhỏ lẻ. Do lượng muối mỏng, nên hạt muối xốp, lẫn nhiều nước, đất, cát, manhe chiếm tới 0,93%, sunfat 1,42%, độ ẩm 9%. Đây là những chất gây hại cho máy móc trong quá trình sản xuất, nếu sử dụng muối này các doanh nghiệp phải xử lý, nên giá thành cao hơn nhiều muối nhập khẩu.

Với chi phí khoảng 40- 50 nghìn đồng/tấn, muối qua máy lọc trắng, sạch nên giá bán cao hơn muối chưa xử lý từ 200 - 300 nghìn đồng/tấn và quan trọng là đáp ứng yêu cầu của nhiều ngành công nghiệp.

Theo Ths Long, diêm dân nước ngoài rất giàu, bởi họ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, một chiếc máy lọc muối giá cả tỷ đồng, diêm dân không thể mua nổi.

"Tôi muốn làm một việc gì đó để giúp diêm dân. Và chiếc máy "4 trong 1" (kết hợp 4 khâu gom, thu hoạch, rửa và đánh đống) là hiện thức hóa mong ước của tôi" - Ths Long chia sẻ.

Máy hoạt động trên nguyên tắc của máy bơm ly tâm: Muối được đổ vào phễu bán kính 80-1,5m có gắn vòi nước phun tạo độ trơn. Muối được máy hút đẩy theo đường ống (ống nhựa xoắn) đến nơi đánh đống. Trong quá trình di chuyển, nước, muối va vào nhau tạo ma sát rửa sạch các tạp chất, đất cát, rồi phun qua một sàng lớn tách muối chảy sang một bên, nước chảy lại phễu (nước bẩn thì thay nước mới). Nước này được đưa ra ruộng phơi lấy muối.

Quy trình có vẻ đơn giản, nhưng để chế tạo thành công chiếc máy này, Ths Long phải nghiên cứu, thử nghiệm mất hơn 2 năm. "Tôi lấy mẫu đi xét nghiệm, muối đạt tiêu chuẩn muối công nghiệp loại 1. Tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sáng chế. Hiện máy đang được diêm dân các tỉnh Khánh Hoà, Nghệ An… sử dụng. Có các loại máy công suất 40 tấn/giờ, 60 tấn/giờ… Giá từ 400-480 triệu đồng/máy" - ông Long cho cho biết.