Khoảng hơn chục năm đổ về trước, vào cái thời mà đất nước chưa hội nhập sâu rộng thì những bài thơ, áng văn trong sách giáo khoa cấp 1 cũng chỉ xoay quanh vấn đề quê hương, nông nghiệp là chính. Những con đường làng, lũy tre, đồng ruộng, thiên nhiên,… hiện lên vô cùng chân chất mà đẹp mê hồn, để đến bây giờ trở thành hoài niệm khó phôi phai.
Một bài đọc trong SGK cấp 1 cũ.
Về lại những cuốn tập đọc ngày xưa ấy để cảm nhận những khoảnh khắc mà đọc đi, đọc lại hàng nghìn lần vẫn cảm thấy yên bình thấy lạ.
“Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích chích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hát vừa bay” Nói với em - Vũ Quần Phương
Về lại để thấy rằng cái tuổi thơ trôi qua đã được vẽ lên chân thực trong những áng thơ đầy lãng mạn.
“Mỗi sớm mai thức dậy
Lũy tre xanh rì rào
Ngọn tre cong gọng vó
Kéo mặt trời lên cao” Lũy Tre - Nguyễn Công Dương
Đọc để rồi bạn phải giật mình nhớ lại giữa phố phường nhộn nhịp, hào nhoáng bây giờ bạn cũng từng trải qua những giây phút ngây ngô
“Em vẽ làng xóm
Tre xanh lúa xanh
Sông máng lượn quanh
Một dòng xanh mát” Bút chì xanh đỏ.
Nếu đâu đó giữa cuộc sống xô bồ, tấp nập ngân nga bất chợt những âm vang đã ngủ sâu trong quá khứ
“Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ơi
Kẽo cà kẽo kẹt mẹ ngồi mẹ ru” Mẹ - Trần Quốc Minh
Liệu có chút cảm xúc nào lâng lâng khó tả trong bạn về những ngày gian khó, có chút bồi hồi nào về người mẹ, người bà đã bất chấp tất cả để những giấc ngủ của con được say nồng. Nếu không, chắc hẳn rằng bạn chưa bước qua cái tuổi thơ đẹp đẽ đấy.
Rồi những khung cảnh thiên nhiên quá đỗi bình thường những đã được tái hiện như một bức tranh sinh động, để nhận ra rằng chính những thứ vô hình đó đã góp phần nuôi lớn tâm hồn ta.
“Mấy bông hoa vàng như những đốm nắng đã nở sáng trưng giàn mướp xanh mát. Cái giàn trên mặt ao soi bóng xuống làn nước lấp lánh hoa vàng, khiến mấy chú cá rô cứ lội quanh lội quẩn ở đó chẳng muốn đi đâu. Cứ thế, hoa nở tiếp hoa. Rồi quả thi nhau chồi ra” Giàn mướp – trích “ Hoa Nắng” - Vũ Tú Nam.
Chính tác giả "Ngày hôm qua đâu rồi" – Bế Kiến Quốc đã khẳng định rằng
“Ngày hôm qua ở lại
Trong vở hồng của con
Con học hành chăm chỉ
Ngày hôm qua vẫn còn”
Đúng vậy, cái ngày hôm qua chỉ cũ kĩ đi về mặt khoa học, chứ không thể mất đi trong ký ức của con người,... Những con người đã bước qua quãng thời gian tươi đẹp đó! Những giá trị chân quê mà trẻ con bây giờ không thể nào hiểu được.