Ngoài ra, dịch bệnh này còn phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ tiêm phòng, lợn lớn đã có miễn dịch bị giết mổ hay ở lợn con thay đàn bổ sung vào chưa kịp tiêm phòng làm cho tỷ lệ mẫn cảm trong đàn tăng lên. Bệnh dịch tả lợn có tốc độ lây lan rất nhanh và tỷ lệ chết lên tới 90%. Và khi đã mắc phải chứng bệnh nêu trên, sức đề kháng lợn đã kém, một số bệnh khác tấn công đồng thời như phó thương hàn, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn... Vì vậy, để góp phần vào ổn định và hạn chế dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi, việc tiêm phòng cho vật nuôi theo mùa vụ và tiêm phòng bổ sung là rất cần thiết.
Để bổ sung kiến thức về dịch tả ở heo giúp người chăn nuôi có thể nhận biết và chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, người chăn nuôi có thể tham khảo một số nội dung sau: Trước tiên là về tác nhân gây bệnh dịch tả ở lợn. Loại bệnh trên là do virus (Tortoi suis) thuộc họ Flaviridae, giống Pesti virus, có quan hệ mật thiết với virus gây bệnh tiêu chảy ở bò và virus gây bệnh Border ở cừu. Virus dịch tả lợn có thể sống khá lâu từ vài tháng đến vài năm trong thịt đông lạnh. Thông qua hoạt động thương mại, vận chuyển, virus có trong các sản phẩm của lợn có thể lây lan vào vùng đang an toàn dịch. Khi vật nuôi mẫn cảm có thể nhiễm khi ăn phải thức ăn có chứa virus như các thành phần phụ phẩm của quá trình giết mổ hoặc thức ăn thừa, chất thải từ nhà bếp không qua xử lý. Virus gây bệnh dịch tả ở lợn có sức đề kháng yếu, mặc dù có khả năng tồn tại lâu ở ngoại cảnh như ở trong phân gia súc, thịt đông lạnh..., tuy nhiên
virus lại dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát trùng thông thường như xút (NaOH) 2%, nước sôi. Ở nhiệt độ cao virus bị tiêu diệt nhanh. Các chất bài tiết, dịch tiết, máu, hạch lâm ba hay lách lợn bệnh có chứa
virus. Máu của những con vật nung bệnh, sau 24 giờ có khả năng gây bệnh. Những con khỏi bệnh, sau 2 tháng vẫn bài thải mầm bệnh ra ngoài nên người chăn nuôi nắm được điều này, cách ly vật nuôi bị bệnh khỏi vật nuôi đang an toàn. Đối với dịch bệnh nêu trên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và loài lợn, mạnh mẽ nhất ở lợn con từ 2-3 tháng tuổi. Về đường lây truyền bệnh ở lợn chủ yếu qua đường tiêu hóa, niêm mạc hay qua vết thương ở da và một phần qua hệ thống đường hô hấp. Thông thường lây trực tiếp từ con ốm sang con khỏe; gián tiếp là qua nước uống, thức ăn, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển...