Đánh giá chung những kết quả đạt được sau hơn 10 năm triển khai Quyết định 167, ông Lã Văn Thảo - Trưởng phòng Gia súc lớn (Cục Chăn nuôi) cho biết: Số lượng cũng như chất lượng bò sữa Việt Nam đều có sự tăng trưởng đột phá.
Cụ thể, tăng số lượng và chất lượng bò sữa từ 41.240 con năm 2000 lên 128.580 con năm 2010 và 200.000 con vào tháng 4.2014. Sản lượng sữa cả nước tăng từ 64.700 tấn năm 2001 lên 306.660 tấn năm 2010 và 456.390 tấn năm 2013. Năng suất sữa ở bò lai từ 3,25 tấn/chu kỳ năm 2001 lên 4 tấn/chu kỳ năm 2010 và 4,28 tấn/chu kỳ năm 2013…
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, ngoài thành tựu đạt được như trên, chăn nuôi bò sữa cũng còn nhiều hạn chế như giá thành sữa cao.
Nguyên nhân là do, giá con giống cao, từ 11-14 triệu đồng/con năm 2000 tăng lên 19-24 triệu đồng/con năm 2003 và 60-70 triệu đồng con như hiện nay. Việc sốt giá bò giống đã làm tăng chi phí khấu hao con giống trong cơ cấu giá thành sữa.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: Việt Nam bắt đầu sản xuất sữa từ những năm 1960, nhưng triển khai quy củ chỉ bắt đầu từ năm 2001 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 167.
Sau 13 năm, chăn nuôi bò sữa Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Năng suất sữa bình quân hiện đạt 5,18 tấn/bò sữa, cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (3,2 tấn/bò sữa); Indonesia (3,1 tấn/bò sữa); Trung Quốc (3,4 tấn/bò sữa)…
“Điều đáng nói hơn là, hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư vào ngành sữa theo hướng công nghiệp, chuyên nghiệp như Vinamilk, TH trueMILK, Mộc Châu… và mới đây là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng xây dựng kế hoạch thúc đẩy ngành sữa Việt Nam khi đặt mục tiêu đầu tư khoảng 100.000 con bò sữa trong giai đoạn 2014-2016” - ông Tám cho biết.
Theo ông Tám, điểm nổi bật trong sản xuất sữa mấy năm qua là các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, nhờ đó giải quyết được nhiều vấn đề, phá vỡ tư duy chỉ những vùng cao nguyên có điều kiện khí hậu thuận lợi cho nuôi bò sữa như Đà Lạt (Lâm Đồng); Mộc Châu (Sơn La)… mới có thể phát triển chăn nuôi bò.
Nhờ có khoa học công nghệ hiện đại, bò sữa đã phát triển tốt ở Nghệ An là nơi khí hậu không thuận lợi nên hiện nay trên khắp lãnh thổ Việt Nam đã không còn vùng hạn chế trong chăn nuôi bò.
Tuy vậy, theo Bộ NNPTNT, sản xuất sữa trong nước hiện mới chỉ chiếm 28% trong tổng lượng sữa có mặt tại Việt Nam.
Do đó, dư địa thị trường còn rất lớn trong khi nhu cầu sử dụng sữa của người dân ngày càng có xu hướng tăng lên.