Mới đây Hollywood tung ra đoạn trailer giới thiệu một bộ phim khoa học viễn tưởng về nhân vật Lucy sau khi được cấy ghép các loại thuốc bí ẩn có thể vận hành tới 100% khả năng não bộ cho phép thực hiện một loạt hành động siêu phàm như nhìn xuyên đồ vật hay di chuyển mọi vật từ xa bằng ý nghĩ.
Tuy là viễn tưởng nhưng những tình tiết của bộ phim khoa học ở trên đã gợi lại một vấn đề thực tế trong nghiên cứu thần kinh học về não bộ con người. Hiện nay con người mới chỉ hiểu được khoảng 10% khả năng não bộ và giả định nếu hiểu biết vượt hơn ngưỡng này để có thể chủ động vận hành toàn bộ não bộ thì có thể sẽ đem lại nhiều điều ngạc nhiên khó đoán.
“Người ta ước tính rằng hầu hết con người chỉ sử dụng 10% khả năng não bộ. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có thể sử dụng được 100% khả năng não bộ thì sẽ có nhiều điều thú vị xảy ra”, diễn viên Morgan Freeman, người đóng vai nhân vật giáo sư thần kinh học Norman có nhiệm vụ cấy ghép cho nhân vật bị bắt cóc Lucy loại thuốc bí ẩn để cô trở thành siêu nhân, cho biết trên chuyên trang Psychologytoday ngày 17.7.
Trailer giới thiệu bộ phim.
Dĩ nhiên, lời nói của Norman có dựa trên những tiền đề được tiên đoán trước đây của giới khoa học dù ngày nay nó có thể đã bị vượt qua.
Từ đầu những năm 1900, nhà khoa học Mỹ William James, người đặt nền móng cho ngành Tâm lý học hiện đại, từng viết trong tác phẩm The Energies of Men (Năng lượng của con người) rằng: “con người có nhiều khả năng về mặt tâm thần và thể chất mà chưa được sử dụng”. Nhưng James không nhằm tới con số cụ thể là 10% não bộ.
Năm 1936, nhà văn Lowell Thomas trong cuốn sách mang tên “How to Win Friends and Influence People” tiếp tục khẳng định lại tuyên bố này của giáo sư James và viết thêm rằng, khả năng một con người bình thường thường chỉ sử dụng tới 10% tiềm năng tinh thần của mình.
Trong suốt hơn 2 triệu năm tiến hóa của con người, bộ não đã nhanh chóng tăng gấp 3 lần kích thước ban đầu của nó. Mặc dù chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng não bộ lại tiêu tốn tới 20% tổng số năng lượng nạp vào cơ thể hàng ngày của con người.
Khoa học hiện nay mới chỉ hiểu được 10% bộ não người.
Song thực tế, con người ngày nay biết được rằng mình sử dụng nhiều hơn 10% não bộ qua các nghiên cứu kiểm tra chụp ảnh cộng hưởng từ và chụp cắt lớp phát xạ (fMRI và PET), tiết lộ khu vực hoạt động tương đối rộng của não trong thời gian thực. Nghiên cứu hình ảnh cho thấy, không chỉ có rất nhiều vùng não tham gia vào các hoạt động thậm chí là đơn giản nhất như xem một bộ phim mà các hoạt động giữa các vùng này của não cũng rất năng động.
Thậm chí trong giới thần kinh học còn có câu châm ngôn “sử dụng hoạt động não hoặc mất nó”. Theo một nghiên cứu năm 2012 của chuyên gia Schafer và các đồng nghiệp tại Đại học Harvard phát hiện ra, các tế bào miễn dịch thần kinh được gọi là tiểu thần kinh đệm nếu nhàn rỗi thì sẽ dẫn tới các khớp nối thần kinh giữa các tế bào não không lành mạnh. Nếu chúng ta chỉ thường xuyên sử dụng 10 % não của chúng ta thì có thể dễ bị teo não, giống như những bệnh nhân bị các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer.
Mặc dù trong thực tế, bộ não tự thân nó luôn vận động tất cả các bộ phận với từng khu chuyên ngành tạo ra một mạng lưới đa chức năng, ngay cả khi một người nào đó thực hiện những hoạt động rất đơn giản như di chuyển con chuột máy tính, hay ăn một cái gì đó hoặc nghe nhạc,thậm chí là thở thì chắc chắn rằng người đó sử dụng hơn 10% não bộ.
Nhưng điều đáng lưu ý ở chỗ đến nay con người mới chỉ hiểu được chức năng 10% bộ não (với gần 100 tỷ tế bào thần kinh), còn lại 90% khác là những tế bào thần kinh đệm, bao quanh và hỗ trợ tế bào thần kinh thì vẫn chưa rõ về chức năng của chúng.
Điều đó cho thấy, ngành Thần kinh học, một ngành khoa học rất đặc thù khác hẳn với vật lý học, hiện vẫn còn non trẻ. Còn rất nhiều bí ẩn của bộ não con người vẫn chưa được giải mã. Cho nên thông điệp quan trọng nhất mà bộ phim khoa học viễn tưởng Lucy muốn gửi tới công chúng có lẽ là ở chỗ cần khám phá ra những khả năng kì diệu của não bộ con người, khơi gợi tới sự tưởng tượng của con người hơn là sự chính xác về những tri thức hiện có.