Dân Việt

Trung Quốc in 15 triệu bản đồ 'có điều chỉnh đường biên giới'

B.T.V 24/07/2014 22:18 GMT+7
Đài Tiếng nói Nước Nga hôm 24.7 đăng bài viết phân tích mối quan hệ giữa Trung Quốc với nước láng giếng ở Nam Á với tiêu đề "Trung Quốc đang chuẩn bị những bản đồ chiến thuật mới".

Theo bài viết này, trên bản đồ địa lý mới được công bố ở Trung Quốc, bang Arunachal Pradesh ở đông bắc Ấn Độ được hiển thị là lãnh thổ Trung Quốc.

Đặc biệt đáng lo ngại khi ở Ấn Độ có thông tin rằng các đơn vị quân đội Trung Quốc sẽ sớm được nhận bản đồ chiến thuật mới. 

img  Một binh sĩ Trung Quốc (trái) và một người lính Ấn Độ đứng gác tại đèo Nathu La Pass - điểm nối giữa bang Sikkim của Ấn Độ và khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc.

Theo tờ báo quân đội Trung Quốc PLA Daily, đơn vị bản đồ học trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã in 15 triệu bản sao bản đồ điều chỉnh mới để đáp ứng nhu cầu quân đội nước này.

Trên thực tế, những thay đổi nào được đưa vào bản đồ quân sự mới của Trung Quốc vẫn còn là một bí mật.

Tuy nhiên, theo Đài Tiếng nói nước Nga, có thể dự đoán được rằng những điều chỉnh sẽ phù hợp với bản đồ địa lý chính thức mới xuất hiện vào cuối tháng trước của Trung Quốc. Trên bản đồ mới này, bang Arunachal Pradesh được biểu thị là vùng “Nam Tây Tạng” của Trung Quốc.

Những tấm bản đồ mới của Trung Quốc vấp phải sự phản đối từ chính quyền Ấn Độ.

Hôm 28.6, phát ngôn viên chính thức Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin tuyên bố, các nhà bản đồ học Trung Quốc không đủ sức để thay đổi được thực tế.

"Thực tế bang Arunachal Pradesh là một bộ phận cấu thành và không thể tách rời của Ấn Độ và bang này đã nhiều lần chuyển báo cáo lên chính quyền Trung Quốc, kể cả ở cấp cao nhất", nhà ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh.

Về phần mình, Bắc Kinh kêu gọi nước láng giềng không kịch tính hoá tình hình. Theo truyền thông Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này là bà Hoa Xuân Oánh giải thích rằng mục tiêu công bố bản đồ mới là nhằm "đáp ứng sự trông đợi của công chúng".

Vào tháng 6 năm ngoái, một đơn vị lính quân đội Trung Quốc đột nhập vào lãnh thổ bang Uttarakhand của Ấn Độ và cắm cờ Trung Quốc tại đây.

Xung đột quân sự quy mô do tranh chấp vùng lãnh thổ, mà Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền đã không xảy ra nhờ vào các cuộc đàm phán linh hoạt, mang tính xây dựng.

Giám đốc Trung tâm cục diện chiến lược ông Ivan Konovalov nhắc lại: "Khi đó, tranh chấp đã được giải quyết xong. Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa quân đóng tại biên giới. Có vẻ như Trung Quốc hy vọng thôn tính nhanh chóng vùng lãnh thổ tranh chấp và cho rằng, Ấn Độ sẽ không dám châm ngòi một cuộc chiến lớn và cũng sẽ không dám đáp trả. Có lẽ vì thế nên hiện nay lại xuất hiện những tấm bản đồ mới gộp cả khu vực tranh chấp vào phần lãnh thổ Trung Quốc".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng thuận với quan điểm này của ông Ivan Konovalov.

Những chuyên gia này cho rằng, việc hiện thực hoá một kịch bản đáng lo ngại như vậy tại thời điểm hiện nay là hầu như không thể. Tất nhiên, ở cả hai nước đều có lực lượng sẽ được hưởng lợi từ cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhưng cả Delhi và Bắc Kinh đều nhận thức rõ ràng rằng xung đột vũ trang nếu xảy ra sẽ huỷ hoại toàn bộ mọi hợp tác giữa hai nước. Hiện nay Ấn Độ và Trung Quốc đang tích cực phát triển quan hệ kinh tế - thương mại hai bên cùng có lợi, hợp tác an ninh khu vực và trên toàn cầu.

Trong tương lai gần, có thể thực hiện các dự án quy mô lớn nhằm tăng cường an ninh năng lượng của hai nước.

Và rất nhiều điều nữa cho phép đưa ra giả thiết rằng hợp tác Ấn Độ-Trung Quốc trên cơ sở song phương hay trong khuôn khổ quốc tế, chẳng hạn như khối BRICS, trong thời gian gần sẽ được tăng cường.