Việc không quân Mỹ đưa vệ tinh này lên quỹ đạo nhằm theo dõi các nước khác, tăng khả năng đối phó với các mối đe dọa tới các tàu vũ trụ của Mỹ. Theo giới truyền thông phương Tây và các quan chức Mỹ tiết lộ đó là vệ tinh do thám chủ yếu nhằm vào Trung Quốc.
Mỹ vừa phóng tên lửa đẩy Delta- 4 từ Căn cứ không quân Cape Canaveral ở miền đông nước này, đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Ảnh: Đồ họa vệ tinh do thám mới của Mỹ.
Theo AFP, dự án này của Mỹ vốn được bảo mật và chỉ được công khai cách đây không lâu. Hai vệ tinh này được phóng vào quỹ đạo cách Trái đất hoảng 36.000 km.
“Vệ tinh do thám mới này sẽ giúp bảo vệ các tài nguyên quý giá của Mỹ, đồng thời còn ngăn chặn những hành vi xâm nhập trái phép của quốc gia khác”, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ, Đô đốc William Shelton cho biết.
Ông còn nhấn mạnh tới tính ưu việt của vệ tinh này so với "đồng nghiệp" của quốc gia khác. “Chúng ta biết rằng, vật thể di động là các vệ tinh, còn các vật thể tĩnh là những ngôi sao. Dựa vào phương pháp quang điểm..., chúng ta có thể đoán ra vệ tinh của quốc gia khác đang làm gì”, ông William Shelton nói.
Tờ AFP đưa tin, nói chung, việc giám sát không gian chủ yếu được tiến hành tại quỹ đạo thấp, cách Trái đất chỉ vài trăm mét. Việc Mỹ công khai các dự án vệ tinh chính là muốn phát đi tín hiệu “cảnh cáo, uy hiếp” tới các quốc gia khác.
Stars and Stripes nhận định, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh không gian và khả năng giám sát vệ tinh. Lầu Năm Góc lo ngại rằng, trong các cuộc xung đột tương lai, Trung Quốc có thể làm tê liệt hoặc bắn hạ các vệ tinh của quân đội Mỹ, nhất là các vệ tinh thông tin liên lạc có tác dụng thu thập tình báo và xác định.
AFP thì đưa tin, các quan chức cấp cao của Mỹ ngày càng lo ngại về các vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc và nhiều nước khác, có thể làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc của Mỹ. Đô đốc Shelton nói: “Chúng tôi thấy rất nhiều mối đe dọa gần đường chân trời”. Ông nhấn mạnh rằng không gian không còn là một “thánh đường hòa bình”.