Tuy không có số liệu thống kê về trữ lượng nhưng có thể ước độ bằng cảm nhận “dân số” cá linh chiếm khoảng 6 – 70% tổng “dân số cá” trong mùa nước nổi ở An Giang. Nhiều (và có ý nghĩa kinh tế lớn) như thế nhưng chẳng rõ vì sao hầu hết các sách sử thời trước như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam quốc âm tự vị… đều không hề đề cập, nhắc nói!
Cá linh thuộc loại dangila, họ cá chép (ciprinidae), tên chữ là linh ngư, người Khơme gọi trêy lênh hoặc trêy rial. Vì là cá trắng nên chỉ thích hợp môi trường nước chảy. Mùa nước nổi chúng lăng xăng khắp các đồng rộng, sông dài, kinh to, rạch nhỏ (nhưng lại rất hiếm đối với các tỉnh vùng hạ lưu).
Nước đổ, cá linh theo dòng, vừa rong chơi cho thoả chí giang hồ, vừa “trôi” vừa phát triển “dân số”, mau lớn “như thổi”. Nhiều vô kể! Cá linh non (đầu mùa, còn nhỏ) chỉ cần móc hầu nặn bỏ ruột rồi chế biến.
Từ khi nước nhớm giựt cho đến những con nước kém cuối cùng của mùa nước (mùng 10 và 25/10 âl – nếu nước giựt chậm thì lưa ra con nước kém tháng sau) là lúc cá bắt đầu rút hết xuống các kinh rạch để tranh thủ ra sông, tìm đường sống. Những lúc cao điểm ấy dân gian gọi “cá ra”. Đây là lúc toàn khắp, nhất là tại những miệng kinh, vàm rạch và cả ngoài sông sâu nước chảy đâu đâu cũng la liệt đăng ven, chài hội, lưới giăng…
Muôn trùng “thiên la địa võng” như thế nhưng cũng không thể nào bắt hết được loài cá hằng hà sa số này! Một bộ phận khá lớn vẫn lọt được ra sông và chen nhau chun vô những miệng đáy đang ngày đêm há mồm chực sẵn. Có khi chúng vô đáy nhiều quá, nếu không chuyển kịp lên ghe phải tức thời xả bỏ bớt, vì chậm trễ một chút là “bể đáy” như chơi! Nói chung, do mùa này “cá linh xanh nước” cho nên khi đánh bắt bất cứ bằng cách nào cũng phải thao tác thật nhanh, gọn thậm chí thủ sẵn hai “bộ đồ nghề”, là chài thì phải hai miệng chài, lưới ít nhất cũng phải sắm hai tay lưới.
Còn đăng ven, đăng rào thì phải có hai cái “đó” đặng khi giở cái đó này lên (giao cho những người trên ghe đổ cá ra) thì đặt ngay cái đó khác xuống liền bởi chỉ 5, 10 phút cá linh đã “chạy” vô đó cả thùng, cả giạ, vì vậy phải tranh thủ liền tay để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự “thất thoát”. Hạn chế thôi chứ không ai, và không phương tiện gì có thể chận bắt hết được cá.
Ta biết, chỉ một ngọn rạch thôi (trong hàng trăm, hàng nghìn kinh, rạch) bà con đã đồng loạt xuống đăng đầy nghẹt, cách nhau không quá trăm mét, thế mà ai cũng thu hoạch khẳm cả xuồng, đầy cả ghe. Người đăng phía sau không hề thua kém người phía trước mình. Rõ ràng con cá linh chỉ vượt qua được đăng rào khi người ta giở cái đó này ra để lấp ngay cái đó kia vào!
Lại một hiện tượng khác cho đến nay bà con vẫn còn thắc mắc là, vào những con nước kém cuối cùng của mùa cá ra, như đã nói, cá linh chuyển địa bàn từ đồng xuống kinh rạch để chuẩn bị ồ ạt tiến ra sông, nhưng dường như nó còn lưu luyến đồng ruộng, không nở giả từ, cứ dàn tề mãi… Nhìn, ai nấy hình dung “ghe chài cũng không chở hết”. Thế mà hôm ấy nếu có một đám mưa, nhỏ thôi, cá tức thì biến mất sạch sành sanh! Chúng không thể ra sông được, vì vào thời điểm này bà con đã đồng loạt xuống đăng chận kín khắp các nẻo; cũng không lên đồng vì nước không lớn, đồng không ngập. Cho đến mấy ngày sau, lúc trời quang đãng cá mới chịu ra, nhưng quá ít, không được một phần mười so với đã thấy trước đó mấy hôm.
Thế là mùa cá năm ấy xem như bị thất thu, nhưng cũng không dưới con số ước tính cả ngàn tấn hàng năm. Tại sao? Không ai biết. Người ta chỉ nhìn nhau cười ngất, với một câu nói cho qua miệng: “Bởi vậy nó mới có tên là cá linh!”.
Ai cũng biết đó là câu nói đùa theo kiểu “ma ma phần phật”, kỳ dư, mọi cách giải thích bà con đều không dễ chấp nhận kể cả cách giải thích sau đây, thấy ghi trong một tư liệu bằng tiếng Pháp Excursious et Reconnaissances, q. X, Mai – tháng 6.1885, tr. 178: “Nguyễn Ánh từ Vàm Nao [con sông nối Tiền Giang với Hậu Giang ở An Giang], nhưng vì thấy cá này [linh] nhảy vào thuyền, người sanh nghi nên không đi, sau rõ lại nếu đi thì khốn vì có binh phục của Tây Sơn tại Thủ Chiến Sai [Chợ Thủ, ngang đầu Cù lao Giêng, nay thuộc huyện Chợ Mới], vì vậy người [Nguyễn Ánh] đặt tên (cá ấy) là “cá linh” để tri ân” (dẫn lại từ Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển, tr 112. Nxb. Văn hóa, 1993).
Cho đến nay, câu “hò sạo” vẫn còn đọng lại trong ký ức bà con nông dân miệt đầu nguồn:
Hò ơ… Thấy anh công tử em hỏi thử đôi lời/ Con mèo không rách sao gọi con mèo vá ?
Cọng cỏ trơn lu sao gọi cọng cỏ lác ?/ Con cò không nhát sao gọi con cò ma?
Con cá không ai thờ sao gọi con cá linh ?/ Trai nam nhân mà đáp đặng ờ…
Hò ơ… Trai nam nhân mà đáp đặng, gái lòng trinh em theo liền!
Rõ ràng “cá linh không ai thờ”, nhưng sao lại có cúng vái? Ta vẫn còn nhớ mấy câu trong bài Vè cá:
Da thịt nám đen là con cá cháy/ Đốt nhang mà vái là con cá linh.
Hài hước vốn là một trong những đặc tính của người Nam Bộ, nên dân gian cứ dựa theo tên mà đặt thành vè, tếu chơi cho vui chứ chẳng phải là vấn đề gì lớn đáng băn khoăn!
Đó là chuyện của ngày trước, cách nay ít lắm cũng đã năm, bảy mươi năm (nay trữ lượng loại cá này giảm thảm hại, chỉ còn khoảng một phần ngàn so với trước, thậm chí ít hơn). Nó bắt đầu xuất hiện từ tháng 6 âm lịch sau khi “nước quay”. Người ta đánh bắt được từ lúc chúng còn rất nhí, chỉ bằng đầu đũa, gọi cá linh non.
Với bà con nông dân, cá linh non thường được chiên về hoặc chiên lăn bột + trứng vịt. Cá linh lớn thì chiên suông, hoặc bằm nhuyễn làm chả dùng chiên, nấu canh, hoặc “xào chuột” (bời rời) cuốn bánh tráng trắng; kho mẳn, hoặc kho vừa ăn; nấu canh chua rau muống hoặc bông súng, bông điên điển… nhưng tuyệt nhất là kho mắm; làm mắm; ủ nước mắm (nếu là nước mắm nhỉ thì rất hợp với khẩu vị người Nam Bộ – ngon hơn nhiều so nước mắm cá cơm Phú Quốc hiện nay)… Tất nhiên đó chỉ là những món truyền thống trong bữa ăn hàng ngày.
Còn dân nhậu (đế) thì lại tỏ ra rất háo hức đối với món cá linh nhúng giấm, lẩu mắm, kho lạt giằm me…, song dường như ghịch nhất là món cá linh nướng cặp gắp tre (cá càng lớn càng thơm, béo)… Cần biết, bí quyết chế biến cá linh được thơm, ngon, mềm, béo là khi làm cá không nên đánh vảy – chỉ làm mắm người ta mới bỏ vảy mà thôi. Và, cho dù chế biến món gì, hễ ăn cá linh thì nhất thiết phải ăn kèm với rau, dưa mới “thấy” hết cái ngon đặc trưng của nó, nhất là… rất sướng miệng!