Hiện Vietnam Airlines đang khai thác đường bay thẳng từ Tp. Hồ Chí Minh đi Hà Nội với tần suất từ 20 đến 24 chuyến khởi hành liên tục từ 5g30 đến 22g35 mỗi ngày. Trung bình cứ cách 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là sẽ có 1 chuyến bay. Giá vé một chiều từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội dao động từ 800.000 đến 4.600.000 VNĐ, chưa bao gồm các loại thuế và phí, cụ thể: • Mức giá vé siêu tiết kiệm và tiết kiệm dao động từ 800.000 đến 2.000.000 VNĐ. • Mức giá vé phổ thông bán linh hoạt và phổ thông linh hoạt dao động từ 2.250.000 đến 2.670.000 VNĐ. • Mức giá vé hạng thương gia có 2 mức là 4.000.000 và 4.600.000 VNĐ. Thuế phí cho chặng bay này đối với các vé được mua tại các phòng vé của Vietnam Airlines dao động từ 190.000 đến 610.000 VNĐ bao gồm thuế GTGT 10%, phí dịch vụ sân bay 60.000 VNĐ/ chặng và phụ thu dịch vụ bán vé 50.000 VNĐ/ chặng đối với hạng phổ thông và 90.000 VNĐ/ chặng đối với hạng thương gia. Để biết thêm thông tin chi tiết, quý vị và các bạn hãy truy cập vào trang web chính thức www.vietnamairlines.com hoặc gọi đến số Hà Nội (04) 38 320320(04) 38 320320, TP.HCM (08) 38 320 320(08) 38 320 320, Đà Nẵng (0511) 38 32320. |
Không lộng lẫy như Paris, không náo nhiệt như New York, không hiện đại như Tokyo, không rực rỡ như Thượng Hải, Hà Nội khoác lên mình một màu sắc riêng với bề dày lịch sử hơn 4.000 năm.
Nếu bạn đã từng đi du lịch Hà Nội chắc chắn bạn sẽ có những ấn tượng không thể quên về không khí sầm uất của 36 phố phường nơi đây và nét thanh lịch của con người Hà Nội…
Một Hà Nội “nặng lòng” với lịch sử
Được gọi là “Thủ đô của nghìn năm văn hiến”, Thăng Long - Hà Nội nổi tiếng là một thành phố chất chứa rất nhiều bản sắc văn hóa lâu đời như Hoàng Thành, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột…
Đến Hà Nội, du khách sẽ ghé thăm khu di tích Hoàng Thành hay còn gọi là Thành Thăng Long. Thành nằm trong một khuôn viên khá rộng, phía tây giáp phường Hoàng Diệu, phía đông giáp đường Nguyễn Tri Phương, phía nam giáp đường Trần Phú, phía bắc giới hạn bởi phố Phan Đình Phùng, thuộc quận Ba Đình.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, toà thành được xây dựng và mở rộng ở các vương triều sau. Thành Thăng Long được qui hoạch kiểu "Tam trùng thành quách" với ba vòng thành lồng nhau. Cấm thành, hay Long Phượng thành thời Lý - Trần ở trong cùng, là khu vực hoàng cung. Hoàng thành ở giữa bọc lấy khu kinh tế thị dân ở phía đông. Ngoài cùng là dải La thành hay Đại La thành. Năm 1805, nhà Nguyễn xây thành Hà Nội đã giữ lại khu vực Cấm thành làm hành cung cho vua ở mỗi khi tuần du phía bắc. Thời Pháp, khi phá thành Hà Nội, nguời Pháp cũng giữ lại khu này làm chỉ huy sở của quân đội.
Năm công trình kiến trúc cổ còn sót lại sau khi Pháp phá thành Hà nội, tính từ phía nam lên bắc gồm các hạng mục sau: Cột cờ, cửa Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu và cửa chính Bắc Môn. Cửa Đoan Môn là toà duy nhất còn được giữ lại trong tổng thể, bao gồm một vọng lầu có hai tầng, lầu trên tám mái, dưới gồm một lối vào mở năm cửa lớn. Phía trên cổng chính, mặt nam còn hàng chữ "Đoan Môn". Hiện nay Đoan Môn còn tương đối nguyên vẹn.
Sẽ rất đáng tiếc nếu như bạn đi du lịch Hà Nội mà lại không dừng chân ở nơi đây. Từng là trung tâm Phật giáo, Đạo giáo của Việt Nam qua nhiều thế kỷ, chùa Một Cột nằm giữa lòng thủ đô là ngôi chùa có kiến trúc hình bông sen độc đáo bậc nhất Việt Nam.
Không kém phần lôi cuốn du khách so với các điểm du lịch ở Hà Nội khác, Chùa Trấn Quốc với lịch sử trên 1500 năm, là một trong những danh thắng bậc nhất ở kinh thành Thăng Long đời nhà Lê, nay thuộc quận Ba Đình. Chùa được đánh giá là công trình mang nhiều ý nghĩa lịch sử cũng như tôn giáo.
Chùa Trấn Quốc từng được công nhận là là công trình lịch sử thứ 10 trong Toàn xứ Đông Dương. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nằm cạnh Hồ Tây, ở cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình. Bắt đầu từ thế kỷ 19, rất nhiều nhà thờ được xây dựng ở Hà Nội, trong đó nhà thờ Lớn Hà Nội là công trình lớn nhất với kiến trúc thuộc địa kiểu Pháp điển hình. Quang cảnh thoáng đãng và dễ chịu khiến nơi đây là điểm đến thu hútkhách du lịch đến với Hà Nội.
Khu phố cổ Hà Nội là một điểm rất riêng của thủ đô với những ngôi nhà, con phố, ngóc ngách nhỏ nhắn mang dáng vẻ của nét kiến trúc cuối thế kỷ 19. Hầu hết các du khách khi đi du lịch Hà Nội đều lựa chọn phố cổ Hà Nội là điểm dừng chân bởi khi ở đây du khách sẽ cảm nhận được cái hồn của Hà Nội. Và cũng chính nơi đây sẽ làm cho du khách thấy được nét đẹp trong tâm hồn của con người Hà Nội.
Chùa Một Cột.
Đẹp như một lẵng hoa giữa lòng thành phố, hồ Hoàn Kiếm được bao quanh bởi các đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay. Ba con phố này dài khoảng 1.800m. Mặt nước hồ là tấm gương lớn soi bóng la đà những cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha tóc rủ, những mái đền, chùa cổ kính, tháp cũ rêu phong, các toà nhà mới cao tầng vươn lên trời xanh.
Trước đây hồ có tên là Lục Thủy vì sắc nước bốn mùa xanh trong. Thế kỉ XV, hồ Lục Thủy đổi tên là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm), gọi tắt là hồ Gươm. Cái tên Hoàn Kiếm gắn liền với câu chuyện trả gươm cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ. Rùa là một trong bốn vật linh (Long, ly, quy, phượng) trong tâm thức văn hoá dân gian. Giống rùa quý này vẫn còn sinh sống trong lòng hồ, hằng năm có đôi lần nhô lên mặt nước. Thật hạnh phúc cho du khách nào nhìn thấy rùa nổi trên mặt hồ.
Hồ Gươm.
Du lịch Hà Nội thì bạn cũng không thể bỏ qua trung tâm hành chính, chính trị của Việt Nam với tòa nhà Quốc Hội, Phủ chủ tịch, Quảng trường Ba Đình …
Và một Hà Nội “quyến rũ” lúc vào thu…
Không chỉ thu hút du khách bởi những di tích lịch sử nổi tiếng Hà Nội còn mang trong mình vẻ đẹp quyến rũ bởi thiên nhiên tươi đẹp với những hàng cây rợp bóng và hồ nước lung linh. Mỗi mùa đều có dáng vẻ riêng. Mùa xuân hoa sữa nở trắng dốc Ngọc Hà. Hè về, hoa sấu ngọt hương, đường Lý Thường Liệt chói lóa màu phượng đỏ.
Thu sang, hàng xà cừ lão đại trên đường Hoàng Diệu thả ngàn lá dát vàng không gian. Mùa đông, những phố cổ trở nên vô cùng gợi cảm bởi thân bàng trụi lá... Nhất là mỗi độ vào thu - Hà Nội đẹp tuyệt vời- một vẻ đẹp nao lòng với những đặc trưng riêng đã khắc sâu trong lòng mỗi người dân đất Bắc mà cứ mỗi khi đi xa lại thấy quyến luyến mà thương, mà nhớ da diết. Còn với mỗi du khách khi đến với Hà Nội vào mùa thu, lòng sẽ chợt bâng khuâng, rạo rực và xao xuyến như lần đầu được yêu.
Mùa thu Hà Nội.
Thu Hà Nội đặc trưng bởi hoa sữa, bởi cốm Làng Vòng hay đơn giản hơn là những con đường trải đầy lá vàng rơi với trời trong, mây nhẹ, nắng nhàn nhạt. Chớm thu, Hà Nội vẫn mơ màng trong cơn ngái ngủ nên chưa có những chuyển mình rõ nét với ánh vàng rực nắng của hoa cúc, của cây cơm nguội, của lộc vừng đỏ rực một vùng trời Hồ Gươm hay mùi thơm ngòn ngọt của cốm sữa. Dù chưa có những nét quyến rũ rõ ràng đậm chất thu đến vậy thì Hà Nội vào những ngày này vẫn đẹp mê hồn với những trải thảm lá vàng trên những tuyến phố thơ như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Đinh Tiên Hoàng… khi sấu đã chín và đến mùa trút lá. Hình ảnh lá vàng trải đầy trên những con đường nơi có bước chân học trò tinh nghịch gợi lại những kí ức hồn nhiên của một thuở ấu thơ, hay những thiếu nữ dịu dàng với tà áo dài tung bay trong gió để chợt thấy một Hà Nội nồng nàn, ngọt ngào đến nhường nào. Nhưng cũng có khi một gánh hàng rong trên đôi vài gầy bước vội khiến tim ta chợt đau nhói. Tất cả những khoảnh khắc, những hình ảnh đó đều đem lại cho du khách một cảm xúc rất riêng, một vị thu độc đáo của Hà Nội. Thanh khiết là vậy, ngòn ngọt là thế nhưng cũng chan chát chua như thức quả đặc trưng sấu chín đó. Và rồi mỗi chúng ta sẽ có những cảm nhận về thu Hà Nội cho riêng mình.
…Hãy đến, lắng nghe và tự cảm nhận để thấy một Hà Nội vào thu quyến rũ đến nhường nào!