Nhiều học giả cho rằng, ASEAN nên giữ một vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; ủng hộ các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp, tiến tới ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); duy trì sự đoàn kết trong ASEAN.
Các học giả cũng đề cao vai trò của các đối tác ngoài khu vực trong việc hỗ trợ các nước ASEAN giải quyết xung đột ở Biển Đông; là trung tâm hoà giải các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên cũng như tranh chấp giữa các quốc gia thành viên với các quốc gia ngoài ASEAN, phát huy “quyền lực mềm” của ASEAN.
Tuy nhiên, một số học giả và đại biểu cho rằng, khi các biện pháp chính trị-ngoại giao đã được sử dụng nhưng không mang lại kết quả thì sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp là sự lựa chọn khôn ngoan, hòa bình, văn minh được luật quốc tế thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Vì trật tự của thế giới vẫn phải được vận hành trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.
Nhiều học giả cho rằng, trước mắt Việt Nam cần nghiên cứu để tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước 1982 để kiện về việc Trung Quốc hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bởi vì, theo quy định của Phụ lục VII, Công ước 1982, Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về giải thích và dụng Công ước ngay cả khi Trung Quốc từ chối tham gia. Tuy nhiên, các học giả kiến nghị, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản các chứng cứ pháp lý, lịch sử và nội dung để khởi kiện khi thấy cần thiết.
Đặc biệt là, cần nghiên cứu kỹ để vận dụng nguyên tắc “đất thống trị biển” để chứng minh cho luận điểm và các tuyên bố của mình đối với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông theo Công ước 1982.
Ngoài ra, các học giả cũng kiến nghị, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý như Singapore, Malaysia, Guyana, Suriname, Indonesia, Thái Lan…
Mặt khác các học giả kiến nghị, nếu Việt Nam quyết định biện pháp thì cần lựa chọn một số điểm rất cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh để chứng minh mà cụ thể là tập trung vào những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 là khả thi nhất trong thời điểm hiện nay.