Dân Việt

Dịch bệnh – mối quan tâm hàng đầu của nông dân

P.V 28/07/2014 09:38 GMT+7
“Nếu phòng tránh được dịch bệnh tốt thì dù giá cả có xuống 1 chút cũng vẫn có ăn. Còn xảy ra dịch bệnh thì có khi mất trắng. Cả đời chỉ biết sống bằng chăn nuôi, cho nên, dịch bệnh là mối quan tâm lớn nhất của người nông dân chúng tôi”, đó là chia sẻ của những người chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Châu Thành, Long An mà chúng tôi có dịp tiếp xúc.

Không khó

Ghé thăm hộ ông Lê Văn Kiển, ở ấp 7, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, Long An, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là khá sạch sẽ, nếu chỉ ở ngoài cổng thì không biết ông đang nuôi đàn heo hơn trăm con. Như hiểu ý chúng tôi, ông Kiển cười, “thuyết” một hơi dài: “Giờ chăn nuôi hộ gia đình mà để ô nhiễm, bốc mùi thì chính mình cũng khó chịu chứ đừng nói hàng xóm.

Chưa kẻ, chăn nuôi kiểu truyền thống, đàn heo dễ nhiễm bệnh. Mà 1 con bị là có nguy cơ lây cho nhiều con khác. Các loại vắcxin không có loại nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%. Cho nên, phải áp dụng đồng bộ nhiều phương pháp”. Tôi nghe ông Kiển nói, không khỏi ngạc nhiên, hỏi: “Sao chú rành như chuyên gia vậy?”.

Ông Kiển cười to hơn: “Thì tại tôi mới được cán bộ của dự án Lifsap xuống “chỉ giáo” về quy trình chăn nuôi VietGahp, rồi tôi cũng có tham gia mấy lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học theo giải pháp này”.

img 
img 
img
Các mô hình chăn nuôi heo, gà theo quy trinh VietGahp ở Long An.

 

Theo ông Kiển, chăn nuôi theo quy trình VietGahp được kiểm soát chặt chẽ ở từng khâu sản xuất như chuồng trại, chất lượng con giống, thức ăn, nước uống, thú y, chăm sóc, nuôi dưỡng, ghi chép, xuất bán sản phẩm, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, cải thiện năng suất và chất lượng, đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm, mang đến sản phẩm sạch cho người người tiêu dùng. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế tăng rất rõ khi tiết kiệm được khoảng 3.000 đồng/kg hơi so với chăn nuôi truyền thống. “Tôi áp dụng các quy trình do cán bộ đưa xuống và hướng dẫn cặn kẽ, thấy chỉ cần chú ý chút là làm được, không khó”.

Một trong những điểm đặc trưng khi tham gia nhóm GAHP là mỗi hộ phải có một quyển sổ theo dõi sức khỏe, cân nặng của heo đến việc tiêm phòng, loại thuốc, ngày tiêm, tiền khấu hao thức ăn, thuốc bổ, tiền vệ sinh chuồng trại, tiền lời…từ lúc còn nhỏ đến khi xuất chuồng. Theo ông Kiển, quyển sổ này được sắp xếp rất khoa học, hợp lý nên dễ dàng tra cứu thông tin, theo dõi đàn gia súc, nhờ đó, người chăn nuôi có biện pháp khắc phục hợp lý, kịp thời khi tình huống xấu xảy ra.

Thực tế cho thấy, hầu hết các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình GAHP đều tăng lợi nhuận hơn 20% so với 8% của các hộ không áp dụng giải pháp. Bên cạnh đó, chăn nuôi theo GAHP, các hộ có điều kiện đầu tư hệ thống xử lý môi trường phù hợp với quy mô chăn nuôi của mình như hầm biogas, hầm ủ phân compost…góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí thải tạo ra từ hầm Biogas được sử dụng để đun nấu có thể tiết kiệm cho hộ chăn nuôi của dự án trung bình khoảng 3 - 4 triệu/năm.

Ăn, uống, ở đều sạch

Đó chính la những nguyên tắc phải tuân thủ trong qui trình chăn nuôi VietGahp. Tức là vật nuôi phải ăn đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn bảo đảm vệ sinh theo tiêu chuẩn; nước uống được lọc và diệt khuẩn; sát trùng chuồng trại định kỳ để tiêu diệt mầm bệnh, xử lý chất thải bằng hầm biogas nên không gây ô nhiễm môi trường.

Tương tự với gia súc, gia cẩm chăn nuôi theo qui trình VietGahp cũng không có nhiều khác biệt. Tình trạng sức khỏe, lượng thức ăn tiêu thụ trong suốt quá trình nuôi, ngày tiêm phòng, loại thuốc đã dùng, hạch toán kinh tế, ghi nhận lời - lỗ, tỷ lệ hao hụt đầu con gia cầm… cũng được người nuôi cập nhật hằng ngày.

Đến hộ ông Trần Ngọc Trát (ấp Ái Ngãi, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, Long An), chủ một trang trại hơn 2.000 con gà, ông cho biết, tham gia chương trình này người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu như: Chuồng trại phải ở nơi khô ráo, thoáng mát, có hàng rào ranh giới, vùng đệm, hàng rào bên trong cách ly vùng chăn nuôi. Cổng trại có hệ thống bơm và vòi nước để dễ dàng vệ sinh; có hố sát trùng để diệt khuẩn, cách ly nguồn bệnh. Xung quanh mỗi dãy chuồng có rãnh thoát nước thải, chất thải lỏng trước khi thải ra môi trường phải được xử lý, chất thải rắn phải được xử lý khỏi mầm bệnh trước khi dùng vào mục đích khác, chuồng nuôi thoáng mát vào mùa hè và kín, ấm vào mùa đông. Lịch tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như dịch tả, H5N1. Máng ăn, lồng úm gà con, bể tắm cát, dàn đậy cũng được xây dựng theo đúng chuẩn và sau khi xuất chuồng phải có thời gian trống để tiêu độc khử trùng trước khi tái đàn.

Đặc biệt, khi áp dụng ATSH thì vật nuôi không được dùng chất tăng trọng và chất tạo nạc, không dùng kháng sinh cấm để chữa bệnh hay phòng bệnh; với các loại kháng sinh được sử dụng thì phải ngưng dùng trước khi giết thịt theo khuyến cáo của từng loại thuốc, do đó, sẽ không lo ngại vấn đề tồn lưu kháng sinh trên thịt, trứng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

“Từ ngày áp dụng quy trình chăn nuôi VietGahp, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Ngoài chi phí giảm, lợi nhuận tăng, môi trường sạch hơn ra, áp dụng quy trình này, thấy yên tâm hơn nhiều”, ông Trát cho biết.

Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án LIFSAP, các mô hình GAHP được triển khai trong 49 Vùng chăn nuôi ưu tiên với hơn 10.000 hộ chăn nuôi tham gia đang đem lại những hiệu quả kỹ thuật rất đáng khích lệ: Tỷ lệ tiêm phòng vacxin đối với các bệnh thông thường tại các Vùng chăn nuôi ưu tiên đạt trên 80%, đối với các hộ GAHP đạt trung bình trên 90%; tỷ lệ lợn, gà mắc bệnh, chết đã bắt đầu giảm mạnh ở lứa nuôi thứ 2 từ 13,7% xuống còn 1,06%. Có thể nói đây là tỷ lệ nuôi sống lý tưởng đối với chăn nuôi ở cấp nông hộ.