Dân Việt

Hạt mã não - báu vật của phụ nữ Pa Kô

25/04/2011 06:54 GMT+7
(Dân Việt) - "Ngày trước, khi đến tuổi trăng tròn, phải cà vẹt 6 chiếc răng cửa hàm trên, rồi làm xong lễ đạp bếp tại nơi mình sinh ra thì cô gái mới được cha mẹ trao cho chuỗi vòng mã não để về nhà chồng.

Thời đó, chúng ta nâng niu những hạt mã não như báu vật" - già Kả Đân, 87 tuổi, ở buôn Ta Ay, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế nhớ lại.

img
Chiếc vòng mã não trên cổ của một thiếu nữ Pa Kô.

Già Kả Đân kể rằng, những hạt mã não vừa là trang sức, vừa là một biểu tượng về quyền lực và sự giàu có, sang trọng của mỗi người, mỗi nhà. Với phụ nữ Pa Kô xưa, chỉ cần nhìn vào chuỗi vòng mã não đeo trên cổ là biết được họ thuộc thành phần xã hội nào.

Chiếc vòng càng lớn, càng nhiều hạt, chứng tỏ người ấy có vị thế cao trong cộng đồng, nhà họ giàu. Khi ấy, mỗi hạt mã não có giá bằng cả con bò mộng. Chàng trai, cô gái Pa Kô gặp gỡ rồi tự do tìm hiểu nhau qua những đêm đi "sim" tình tự nơi chòi rẫy, đến khi bén duyên, họ dùng hạt mã não làm tín vật để tặng nhau, hẹn ngày nhờ người mai mối.

Những hạt mã não thường gắn liền với phong tục thách cưới của người Pa Kô. Thách cưới càng to càng chứng tỏ giá trị của cô dâu. Trong lễ dẫn sang nhà gái, ngoài những sản vật theo phong tục, nhà trai bắt buộc phải có ít nhất là một vòng mã não.

Cũng vì quy định khắt khe ấy, biết bao chàng trai vì gia cảnh nghèo khó, không đủ tiền mua tặng vật nên vĩnh viễn mất đi tình yêu. Khi lấy chồng, một trong những của hồi môn không thể thiếu của phụ nữ Pa Kô là những hạt mã não. Cha mẹ nào giàu thì cho con gái vài chuỗi, gia cảnh bình thường cho con một vòng, nghèo lắm cũng phải có 1-2 hạt mã não để cầu cho con hạnh phúc.

Từ trong tâm thức ngàn đời, người Pa Kô tin rằng vị thần may mắn, no đủ, trường thọ chỉ phù giúp cho những ai giữ đá mã não bên mình. Trải qua bao năm tháng, những hạt mã não - kỷ vật mà gia đình truyền cho chính là chứng nhân cho những buồn vui, thăng trầm của cuộc đời chủ nhân nó. Ngay cả khi người phụ nữ Pa Kô mất đi thì một trong những vật dụng buộc phải chôn theo là những hạt mã não mà người ấy đã từng mang.

Ngoài giá trị vật chất, làm trang sức, mã não còn gắn bó rất chặt chẽ với đời sống tâm linh, tinh thần của người Pa Kô. Trong lễ cúng thần rừng, thần nhà dài, thần chỗ ở, thần nước, cầu siêu, gọi hồn, chuỗi hạt mã não bao giờ cũng được đặt trên mâm lễ chính. Ngay cả trên tượng nhà mồ (dưới cổ bức tượng) hay trên một số vật dụng sinh hoạt khác của đồng bào như vải, a chói (vật dụng đựng đồ dùng khi lên nương rẫy), mã não cũng được dùng để trang trí làm tăng ý nghĩa linh thiêng, thẩm mỹ.

Ngày nay, tới những buôn làng của người Pa Kô, may mắn lắm mới gặp một phụ nữ đeo một hoặc vài chuỗi vòng mã não. Nét văn hóa độc đáo mang bóng dáng của chế độ mẫu hệ tự ngàn đời của đồng bào đang dần được thế hệ trẻ thay thế bằng những đồ trang sức hợp thời.