Dân Việt

Nhờ Hội nông dân, bỏ hủ tục để làm giàu

Ngọc Vũ 29/07/2014 07:08 GMT+7
Là xã vùng núi thuộc huyện Đăkrông (Quảng Trị), trước đây Hướng Hiệp còn nhiều hủ tục lạc hậu, đời sống đồng bào hết sức khó khăn. Giờ đây, Hướng Hiệp đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ sự tuyên truyền, vận động và giúp đỡ đắc lực của Hội Nông dân.

Dẫn chúng tôi đi qua những cánh đồng lúa xanh mướt, những quả đồi phủ xanh tràm, đến thăm các trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò khắp xã, anh Hồ Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND xã Hướng Hiệp, tự hào: “Hướng Hiệp hôm nay khác lắm rồi. Đó là nhờ các cấp các ngành quan tâm và sự vào cuộc, vận động, tuyên truyền của cán bộ hội”.

Bỏ hủ tục

Theo lời anh Sơn, 95% người dân ở Hướng Hiệp là dân tộc Vân Kiều. Cách đây 7 năm, xã còn nhiều hủ tục lạc hậu. Như đám cưới tổ chức tới 5 ngày, khách mời rất đông, cực kỳ tốn kém; nhà trai phải cúng lễ cho nhà gái một con trâu to và rất nhiều lễ vật khác. Có nhiều con trai nhà nghèo, không có tiền cúng lễ đành chịu phận cô đơn. Giờ, đám cưới chỉ tổ chức 1 ngày, không thách cưới lễ vật đắt giá, khách mời cũng rất hạn chế nên đàn ông không lo ế vợ nữa.

Còn đám ma cũng tổ chức 5 ngày, có khi kéo dài cả tuần. Nay nhiều lắm là 3 ngày, chỉ 1 đến 2 ngày là đem người đã khuất đi an táng.

Ngày trước ai đau ốm đều mời thầy cúng đến làm lễ, cúng bái cả tuần, cả tháng. Họ nghĩ, mình đau ốm do thần núi, thần nước bắt phạt. “Mấy năm trước, bản Kreng có nhiều người bị dịch tả. Dân bản thấy người bệnh nôn ói, đau bụng cứ nghĩ do thần núi trách tội nên mời thầy cúng về làm lễ suốt mấy ngày liền nhưng rồi người bệnh vẫn chết” – anh Sơn nhớ lại.

Rồi đến chuyện sinh đẻ, trước hầu như phụ nữ sinh đẻ tại nhà. Hậu quả là nhiều ca đẻ khó, cả mẹ và con đều tử vong. Mọi người tin là do núi rừng bắt phạt. Giờ đây, mỗi khi đau ốm, bà con đều đến trạm xá.

Biết làm giàu

Nói đến vai trò của Hội ND phải kể đến việc giúp dân phát triển kinh tế. Theo lời anh Sơn, trước đây, đồng bào Vân Kiều đốt rừng làm rẫy. Bỏ ra 1 thúng lúa trỉa trên nương thì thu về được 3 thúng, cao lắm chỉ 5 thúng. Vì vậy tình trạng thiếu ăn là nỗi lo thường trực của chính quyền địa phương.



Ông Hồ Quang Điền -
Bí thư Đảng ủy xã Hướng Hiệp
 
 
Hội ND xã làm việc rất tích cực và hiệu quả, đã giúp dân bản xóa đi nhiều hủ tục lạc hậu, nâng cao kinh tế, đời sống của từng hộ dân”.

 
5 năm trở lại đây, Hội ND xã phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất tại thôn bản; hướng dẫn bà con cách cày bừa, làm đất, chăm bón, gieo hạt... Đến nay, Hướng Hiệp có gần 200ha lúa nước. Năng suất lúa vụ đông xuân đạt 2 - 2,5 tạ/sào, người dân không còn đói nữa.

 

Là địa phương có diện tích rộng lớn nhưng chủ yếu là đồi núi, Hội đã hướng dẫn ND trồng rừng tràm và chăn nuôi trâu, bò. Những quả đồi trọc do phá rừng làm rẫy năm nào giờ đã được dân bản phủ xanh bởi hàng nghìn ha rừng tràm.

Anh Sơn cho biết, năm 2013, Hướng Hiệp có 47 hộ ND SXKD giỏi các cấp. Tiêu biểu như hộ ông Hồ Văn Nghĩa (thôn Kreng) có 11ha rừng tràm; đàn trâu, bò gần 30 con, 20 con lợn sinh sản. Ông Nghĩa vui mừng: “Nhà mình trước nghèo lắm. Nhờ cán bộ Hội ND dạy cách chăn nuôi, trồng rừng, giờ mỗi năm nhà mình thu nhập khoảng 100 triệu đồng”.

Không chỉ giúp dân làm giàu, Hội còn vận động người dân đưa con đến trường. Gia đình nào có con em bỏ học, cán bộ hội lập tức đến tận nhà vận động, rồi trích quỹ hội hỗ trợ các em tiếp tục đến trường. Hướng Hiệp hiện có 40 em là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Nhiều gia đình có 4 con học đại học, như gia đình ông Hồ Văn Vẹt (thôn Xa Rúc)…