Là người tiên phong đưa giống gà Ấn Độ về nuôi ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, anh Đỗ Văn Chung (thôn Cõi) đã gặt hái được thành công.
Anh Chung kể: “Năm 2003, tôi cưới vợ. Lúc đó, thu nhập chính của gia đình là 7 sào đất làm màu và đồng lương công nhân ít ỏi của vợ tôi”.
Thấy vợ làm vất vả mà thu nhập lại thấp, anh Chung bàn với vợ nghỉ ở nhà tập trung làm màu, dẫu vậy gia đình anh cũng chẳng cải thiện được cuộc sống. Lúc này, nghe nói ở xã bên (xã Thanh Vân) có mô hình nuôi gà Ấn Độ lấy trứng mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Chung tìm sang học hỏi và áp dụng.
Có được “cần câu” rồi nhưng anh gặp khó khi không có “mồi câu”. May mắn là anh được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 7 triệu đồng chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo. Có vốn, anh đầu tư xây chuồng nuôi, mua 300 con gà giống về thả.
Chăm chỉ làm ăn, chỉ sau 2 năm gia đình anh đã trả hết nợ cho ngân hàng. Có đà, anh xây thêm 2 chuồng nuôi và nhân số lượng gà trong đàn, thời điểm cao nhất lên 2.000 con.
“Giống gà Ấn Độ chịu bệnh tốt, tiêu thụ thức ăn ít hơn, chất lượng và giá bán cũng cao hơn. Do vậy trong quá trình chăn nuôi hầu như tôi ít gặp rủi ro, mà chủ yếu là ảnh hưởng của giá cả thị trường” - anh Chung chia sẻ.
Hiện, trung bình mỗi ngày anh thu 1.400-1.500 quả trứng, anh có khoản thu 2-3 triệu đồng/ngày, cho lợi nhuận 100-200 triệu đồng/năm.
Cùng với nuôi gà, anh Chung còn có nghề “tay trái” là mua bò về vỗ béo để bán. Anh Chung cho biết, trung bình một con bò sau khi mua về nuôi vỗ béo trong thời gian 6 tháng, anh lãi 15-16 triệu đồng.
Cuối năm 2013, gia đình anh được Quỹ Hỗ trợ nông dân của T.Ư Hội NDVN cho vay 30 triệu đồng, anh chuyển sang nuôi bò sinh sản, hiện bò mẹ đã có chửa. Ngoài ra, anh Chung còn thu 120-140 triệu đồng/năm từ 7 sào rau màu các loại.
Ông Nguyễn Văn Tuất - Phó Chủ tịch Hội ND xã Đạo Tú cho hay: “Anh Chung thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với bà con trong xã. Nhiều năm liền anh được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi”.