Dân Việt

Sản xuất, tiêu thụ phân bón giả: Cần xử phạt nặng và rút giấy phép

Quốc Hùng 30/07/2014 14:31 GMT+7
Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2012 đến nay, đã có 100 cơ sở và hơn 40 công ty sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng bị phát hiện bán ra thị trường gần 40 tỉnh, thành phố một khối lượng khá lớn các loại phân bón giả. Sản xuất nông nghiệp và nông dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề vì tình trạng này.

Xử lý như “muối bỏ bể”

Kết quả kiểm tra, kiểm soát của Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cũng cho thấy, năm 2013 cơ quan này đã kiểm tra 5.372 vụ, phát hiện 1.390 vụ vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Quý I vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử phạt 88 vụ vi phạm.

Mặc dù số vụ vi phạm bị bắt và xử lý nhiều song vẫn chỉ như “muối bỏ bể”. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trước hết vì đây là loại hàng hóa đặc thù, đã sử dụng bón cho cây trồng thì không thể thu hồi lại được. Do vậy, khi người nông dân mua phải phân bón giả, kém chất lượng đem bón cây trồng thường chịu thiệt hại vì không giám định được chất lượng để làm căn cứ xử lý. Rất ít trường hợp khi mua hàng người sử dụng lấy đầy đủ hóa đơn, mẫu mã, lô số hàng, lưu giữ để làm chứng cứ khi phát hiện hàng giả, do phần nhiều nông dân mua dễ dãi, sử dụng đơn giản; kẻ sản xuất lợi dụng người kém hiểu biết, địa bàn vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ. Việc phân biệt phân bón giả, kém chất lượng với phân thật không dễ nhận biết bằng mắt thường, phải qua kiểm định, phân tích mất thời gian, kinh phí, vì vậy không xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép kinh doanh, ngành nghề phân bón kiểm tra tuân thủ quy định tại một số địa phương chưa tốt, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị nhỏ lẻ, cơ sở vật chất không đảm bảo, không có hoặc thiếu cán bộ chuyên môn càng làm cho hàng giả có cơ lưu hành. Thêm vào đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón chưa thống nhất, còn chồng chéo. Hầu hết tại địa phương, cơ quan quản lý chất lượng phân bón còn chồng chéo, chưa phân công và thống nhất giữa ngành NNPTNT, công thương, khoa học công nghệ dẫn tới quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, không ít vụ việc các lực lượng chức năng chưa nhận được sự hỗ trợ chủ động, tích cực của hiệp hội, các doanh nghiệp.

Cố tình vi phạm

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, do lợi nhuận làm hàng giả mang lại khá cao, nhất là lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nên nhiều đối tượng, trong đó có cả doanh nghiệp đã cố tình vi phạm, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, bất chấp quy định của luật pháp; hệ thống văn bản pháp luật quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón chậm được sửa đổi, bổ sung; chế tài xử lý tuy có được nâng lên nhưng chưa đủ sức răn đe, trấn áp hành vi vi phạm…

Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, kinh doanh phân bón nhập lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng; chỉ tập trung triển khai quyết liệt tại chỗ một số thời điểm nên hiệu quả công tác này còn hạn chế.

Một nguyên nhân nữa là do thói quen của một bộ phận người dân ở địa bàn nông thôn quan tâm chủ yếu đến yếu tố giá, mẫu mã hàng hóa, nên vô tình tạo nhu cầu cho buôn bán phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng. Kiến thức về phân bón của người tiêu dùng còn hạn chế, chưa hiểu rõ các ký hiệu trên bao bì sản phẩm nên dễ hiểu sai về tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại phân bón; mua phân bón sử dụng mà không có hóa đơn, chứng từ, không giữ lại vỏ bao nên thiếu chứng cứ để truy xét khi cần khiếu nại, tố cáo vi phạm...

Phải xử lý mạnh tay

Trong thời gian qua, các sản phẩm phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, nhất là phân bón tổng hợp NPK bị làm nhái, làm giả đã được lực lượng chức năng phát hiện khá nhiều. Ông Nguyễn Duy Khuyến – Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao kiến nghị, bên cạnh việc xử phạt mạnh tay, cần kiên quyết hơn là rút giấy phép, quy định rõ ràng về điều kiện để sản xuất phân bón.

Để bình ổn thị trường, góp phần chống hàng giả Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã nghiên cứu sản xuất và đưa ra thị trường nhiều loại phân bón có chất lượng cao. Ban đầu, công suất sản xuất supe phốt phát đạt khoảng 100.000 tấn/năm, axít sunphuric 40.000 tấn/năm và một số sản phẩm hóa chất khác phục vụ cho các ngành kinh tế và an ninh quốc phòng.

Qua nhiều lần mở rộng, cải tạo, đến nay công ty có thể sản xuất 830.000 tấn supe lân/năm, 750.000 tấn NPK-S/năm, 300.000 tấn lân nung chảy/năm và 280.000 tấn axít sunphuric/năm. Hiện, công ty cũng là doanh nghiệp có sản lượng phân bón lớn nhất Việt Nam (khoảng 1,8 triệu tấn/năm) và là đơn vị duy nhất sản xuất được cả 2 loại phân bón supe lân và phân lân nung chảy.

   Hiện Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đang có các sản phẩm phân bón: Supe lân, phân lân nung chảy Lâm Thảo, NPK-S chuyên dùng cho từng loại cây trồng. Công ty khuyến cáo bà con cần tìm mua các sản phẩm phân bón ở các đại lý có địa chỉ rõ ràng, có nhãn mác, bao bì đảm bảo…