Dân Việt

Quỹ hỗ trợ nông dân giúp người nuôi rắn “bỏ túi” 70 triệu đồng mỗi năm

Thu Hà- Lan Dương 01/08/2014 07:28 GMT+7
Với 300 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh Vĩnh Phúc cho vay, 11 hộ tham gia Dự án Nuôi rắn giống và rắn thương phẩm ở xã Ngọc Thanh, huyện Bình Xuyên không chỉ có vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi mà còn tiến tới liên kết nuôi rắn.

Toàn xã Ngọc Thanh có 50 hộ nuôi rắn, tập trung ở 4 thôn: Lập Đinh, An Bình, An Thịnh, Sơn Đồng.

Xây thêm chuồng, mua thêm rắn giống

Là 1 trong 11 hộ được Quỹ HTND đầu tư vốn, ông La Văn Bưởi, dân tộc Sán Dìu, ở thôn An Bình bộc bạch: “Tuy tôi nuôi rắn ráo trâu đã nhiều năm nhưng chuồng trại cho đàn rắn ở hết sức tạm bợ. Muốn gắn bó lâu dài và làm giàu từ rắn này thì phải tạo được chỗ ở kiên cố cho rắn. Biết thế nhưng tôi chẳng có vốn, bởi lợi nhuận thu được từ đàn rắn tôi phải dành nuôi 3 đứa con ăn học”.

Rất may, tháng 8.2013 ông được Quỹ HTND cho vay 25 triệu đồng. Có tiền, ông mua thêm rắn giống, xây lại chuồng trại kiên cố cho đàn rắn ở. Hiện, ông nuôi 40 con rắn sinh sản và rắn thương phẩm, trừ chi phí mỗi năm bỏ túi 70 triệu đồng.

“Từ ngày có chuồng ở mới, đàn rắn phát triển và sinh sản tốt hơn. Mùa mưa năm nay, tôi không còn lo rắn bỏ đi nơi khác nữa. Chúng tôi mong được vay thêm vốn và kéo dài thời gian vay hơn”- ông Bưởi nói.

Cũng được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng, anh Diệp Văn Chuyền (xóm Lập Ninh) cho biết: “Lúc đầu, tôi mua 5 con rắn ráo trâu giống ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) về nuôi thử, qua thời gian nuôi thấy có giá trị kinh tế cao, ít bị bệnh. Khi được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng, tôi đã đầu tư thêm chuồng trại và mua thêm rắn giống về nuôi”.

Đàn rắn của anh hiện có 20 con đang sinh sản. Anh Chuyền cho biết, rắn hổ trâu loại 1,7kg/con giá từ 550.000-580.000 đồng/kg, loại 1,2kg/con giá 400.000 đồng/kg. Trứng rắn giá 120.000 đồng/quả, rắn con giá 160.000 đồng/con.

“Kỹ thuật nuôi rắn hổ trâu không khó. Diện tích mỗi chuồng khoảng 0,8 – 1m2 để vệ sinh chuồng trại dễ dàng. Thức ăn cho rắn chủ yếu là ếch, nhái… Từ khi ấp trứng đến khi rắn đạt trọng lượng 1,5kg trở lên phải nuôi 1,5 - 2 năm. Trứng rắn ấp nở từ 60-70 ngày. Một con rắn nái đẻ 2-3 lần/năm, mỗi lần đẻ 12-20 trứng. Mỗi năm gia đình tôi thu lãi 40 triệu đồng từ rắn” - anh Chuyền cho hay.

Bên cạnh nuôi rắn, gia đình anh Chuyền còn mở xưởng mộc, thu hơn trăm triệu đồng mỗi năm.

Liên kết người chăn nuôi



Ông La Văn Bưởi
  Được Quỹ HTND cho vay 25 triệu đồng, tôi mua thêm rắn giống, xây lại chuồng trại kiên cố cho đàn rắn ở. Mong muốn của chúng tôi được vay thêm vốn và thời gian vay dài hơn”.  
Anh Linh Văn Phúc - Chủ tịch Hội ND xã Ngọc Thanh cho biết: Phong trào nuôi rắn giống, nuôi lấy trứng xuất hiện ở xã năm 2006, từ chục hộ ban đầu, đến nay đã có 50 hộ nuôi. Việc nuôi rắn đều do người dân tự học hỏi kinh nghiệm, thương lái tự đến mua, thấy giá trứng rắn cao nên nhiều người đầu tư nuôi. Nếu như năm ngoái tư thương mua trứng với giá 270.000 đồng/quả, rắn ráo trâu loại đại giá 900.000 đồng/kg thì nay giá chỉ còn 120.000 - 150.000 đồng/quả trứng và 550.000 đồng/kg rắn loại đại.

Trước tình hình ND nuôi rắn bị ép giá, Hội ND xã đã lập đề án “Nuôi rắn thương phẩm và rắn giống” nhằm liên kết các hộ nuôi rắn.

“Hội ND xã đã có nhiều chương trình hỗ trợ để ND sản xuất, trong đó có Quỹ HTND đầu tư 300 triệu đồng cho 11 hộ vay, thời gian vay 24 tháng. Hội ND xã đã thành lập Ban điều hành Quỹ HTND. Ban thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ vay. Đến nay, không có trường hợp nợ quá hạn và sử dụng vốn sai mục đích” -  anh Phúc cho hay.