Cổng thông tin điện tử của Malaysia Airlines (MAS) cho biết, hãng hàng không này đã gặp khó khăn về mặt tài chính bởi thảm kịch máy bay đầu tiên khi chuyến bay MH370 cùng 239 người trên khoang mất tích ngày 8.3.
Gia đình của các nạn nhân thảm kịch MH370 được bồi thường 173.000 USD theo quy định của Công ước Montreal. Nhưng một số gia đình đang khởi kiện MAS tại Mỹ, nơi các tòa án thường ủng hộ mức bồi thường cao hơn cho các nạn nhân.
Thi thể nạn nhân vụ MH17 được đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn.
Trong trường hợp vụ MH17, dù máy bay được cho là bị tên lửa đất đối không bắn hạ ngày 17.7 nhưng hiện vẫn chưa tìm ra người phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch. Chính phủ Ukraine lẫn lực lượng phiến quân đang đổ lỗi cho nhau bắn hạ máy bay.
Ngày 21.7, MAS công bố hỗ trợ 5.000 USD cho gia đình nạn nhân MH17. Nhưng hiện các gia đình đang nỗ lực đòi MAS phải bồi thường nhiều hơn nữa, bằng cách khởi kiện MAS về tội bất cẩn.
Ngoài ra, trang
Bloomberg dẫn lời một luật sư chuyên xử lý các vụ tai nạn máy bay có trụ sở ở Chicago cho biết, gia đình các nạn nhân MH17 cũng có thể kiện MAS vì để các phi công bay vào vùng chiến sự.
Các gia đình đang xem xét nộp đơn kiện ở Hà Lan, nơi chuyến bay MH17 khởi hành, hay Malaysia – đích đến mà MH17 không bao giờ có khả năng hạ cánh.
Gia đình các nạn nhân vụ MH17.
Tuy nhiên, theo ông Gerald Sterns, một luật sư chuyên chịu trách nhiệm điều tra các vụ tai nạn máy bay ở Oakland, California, cả 2 lựa chọn trên đều có vấn đề. Tòa án Hà Lan "có những giới hạn về mặt trách nhiệm pháp lý" còn tòa án Malaysia thì "không đáng tin".
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Datuk Seri Liow Tiong Lai khăng khăng cho rằng, lộ trình bay của MH17 an toàn.
“Cả Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) lẫn Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đều biết rõ rằng, MH17 đã không bay trong vùng không phận bị hạn chế. Theo tôi được biết, máy bay hoạt động trong lộ trình được cho phép, vốn cũng được các chuyến bay khác khai thác cùng ngày”, ông Datuk Seri Liow Tiong Lai khẳng định.
Bloomberg bình luận, lựa chọn cuối cùng để gia đình các nạn nhân MH17 có thể được bồi thường thêm là đổ trách nhiệm cho Nga và khởi kiện Nga đòi bồi thường tại một tòa án quốc tế nào đó. Trước đó, 6 năm sau khi máy bay PanAm bị bắn rơi trên bầu trời Lockerbie, Scotland năm 1988, chính phủ Libya đã đồng ý bồi thường 10 triệu USD cho mỗi nạn nhân.
Tuần trước, công ty luật Anh quốc McCue & Partners, có trụ sở ởn London cũng tuyên bố, họ đang thay mặt nhiều gia đình nạn nhân MH17 khởi kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến vụ MH17. Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan nhấn mạnh, việc khởi kiện Nga vô cùng phức tạp.