Tham gia chương trình có lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, gồm bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thành Phụng - Trưởng Đại diện phía Nam Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, TS Nguyễn Nhứt – Viện Nghiên cứu - nuôi trồng thủy sản miền Nam… và gần 200 nông dân đến từ 2 xã Thạnh An và Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Chương trình Giao lưu “Kết nối nhà khoa học – nhà nông” là một hoạt động thiết thực nhằm đưa thông tin khoa học kỹ thuật công nghệ về cơ sở. Qua giao lưu, trao đổi, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ hỗ trợ nông dân kinh nghiệm, các kiến thức về giống cây trông, vật nuôi, quy trình chăm sóc, phòng và chữa bệnh; kinh nghiệm tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy hải sản…
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Bùi Khánh Nguyên – Giám đốc Truyền thông & Trách nhiệm xã hội của BAT Việt Nam cho biết: “Trong những năm qua, BAT luôn quan tâm thực hiện và đóng góp tích cực cho các hoạt động xã hội cộng đồng tại Việt Nam. Hằng năm, chúng tôi tìm kiếm những dự án cộng đồng có ý nghĩa và phù hợp với tiêu chí của BAT để tài trợ. Trong đó, chúng tôi dành nhiều ưu tiên cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển bền vững…”.
Về phía đơn vị tổ chức, nhà báo Nguyễn Thu Tuyết – đại diện Báo Nông thôn Ngày nay cho biết: Chương trình “Kết nối nhà khoa học – nhà nông” lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh và sau đó là Long An trong năm 2013 vừa qua đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của bà con nông dân. Qua đó, nhiều câu hỏi của nông dân mong được các chuyên gia giải đáp vẫn là câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển bền vững, không bị nhiễm dịch bệnh…
Chương trình “Kết nối nhà khoa học – nhà nông” lần này được tổ chức giao lưu với bà con nông dan ở 2 xã Thạnh An và Lý Nhơn (thuộc huyện Cần Giờ). Đây là 2 xã mà người nghèo vẫn còn chiếm tỉ lệ khá cao. Kinh tế chính của các hộ dân nơi đây là nuôi tôm, nuôi ốc và làm muối...
Tuy nhiên việc nuôi trồng vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa cho năng suất cao do người dân chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản (tôm, ốc...).
Chính vì vậy, việc đưa khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản là hết sức quan trọng, là đòn bẩy để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…
Tại buổi giao lưu, với hình thức hỏi đáp trực tiếp, các chuyên gia nhà khoa học giải đáp gần 20 câu hỏi, thắc mắc của bà con, và qua trao đổi, các chuyên gia đã hỗ trợ, chuyển tới bà con nông dân các kinh nghiệm, các kiến thức về nuôi trồng thủy hải sản, quy trình chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho cũng như kinh nghiệm tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản; một số kỹ năng xử lý ô nhiễm môi trường...
Trước câu hỏi của anh Nguyễn Thành Vinh ở xã Lý Nhơn rằng “Làm sao để diệt ốc bươu vàng làm hại lúa? Loại ốc này tui diệt hoài mà không hết được”, Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thành Phụng - Trưởng Đại diện phía Nam Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trả lời: “Phải nói là ốc bươu vàng là một vấn nạn đối với sự phát triển của cây lúa. Để hạn chế tiến tới tiêu diệt ốc bươu vàng, bà con chú ý ba phương châm sau.Thứ nhất, phương châm cộng đồng, tức là mọi người phải cùng làm với nhau, hợp tác với nhau, phải diệt ốc mọi lúc mọi nơi, thấy trứng diệt trứng, thấy ốc trưởng thành diệt ốc trưởng thành.Ốc thường cắn phá mạnh giai đoạn lúa được 15 ngày, sau đó thì đỡ hơn nên bà con hay chủ quan, mình phải diệt ốc trong tất cả giai đoạn phát triển của cây lúa, từ lúc gieo cho tới khi thu hoạch. Thứ hai, phương châm ngăn chặn, bà con khi bơm nước nên có rào ngăn 3 lớp để tránh ốc từ ruộng khác lây lan vào ruộng mình. Thứ ba, phương châm dẫn dụ để tiêu diệt ốc, có 2 cách. Cách thủ công, ốc bươu vàng hay trú ngụ ở vùng trũng, bà con dùng nhựa đu đủ là thứ mà ốc bươu vàng thích nhỏ xuống vùng ốc trú rồi chờ ốc tập trung lại và dùng rổ xúc đi.Cách hiện đại hơn, dùng thuốc phun. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhưng tôi khuyên bà con nên dùng thuốc tạm gọi là thuốc có nguồn gốc sinh học. Bà con xử lý thuốc vào buổi chiều, ngâm qua đêm và sáng sớm mai sử dụng vì đây là lúc ốc bươi vàng hoạt động rất mạnh, nhớ phun thuốc xuống vùng trũng để hiệu quả tiêu diệt ốc được cao hơn. Cây lúa cần được cách ly trong một thời gian nhất định trước khi thu hoạch để tránh lượng thuốc tồn dư gây hại cho người sử dụng sản phẩm từ lúa”.
Các nhà khoa học trả lời câu hỏi của bà con nông dân.
Bác Trương Thanh Hải ở xã Lý Nhơn thì đặt câu hỏi: “Ao tôm của tôi vào mùa mưa hay bị thiếu kiềm. Mong các nhà khoa học hướng dẫn tôi cách tăng kiềm cho tôm tốt nhất? Và tôi không biết là hiện nay có công ty này bán thuốc tăng kiềm không?”. TS Nguyễn Nhứt trả lời: “Công ty bán thuốc tăng kiềm thì theo tôi biết là không có, còn cách tăng kiềm cho ao nuôi tôm khá đơn giản. Hiện nay, có hai cách để tăng kiềm. Cách thứ nhất là dùng vôi công nghiệp mà bà con mình hay gọi là supercanxi, có công thức hóa học là CaCo3, sử dụng định kì và liều lượng tăng theo nồng độ kiềm mình muốn, tôi ví dụ tôi muốn tăng 20 đơn vị kiềm thì tôi phải sử dụng khoảng 20kg vôi công nghiệp. Cách thứ hai và theo tôi là cách tốt nhất là sử dụng soda, cách này không chỉ tăng nồng độ kiềm mà còn giúp cải thiện nồng độ amoniac cho ao tôm”.
Ông Nguyễn Văn An, xã Lý Nhơn trao đổi với các nhà khoa học tham gia chương trình kết nối.
Trao đổi với bà con về việc dùng thuốc trộn vào thức ăn cho tôm ăn, TS Nguyễn Nhứt lưu ý bà con là tuyệt đối không nên dùng Oxytetracycline hoặc các sản phẩm có chứa Oxytetracycline. Lý do không phải vì Oxytetracycline là loại thuốc bị cấm sử dụng (cho đến nay Oxytetracycline là loại thuốc được khuyến cáo hạn chế sử dụng), mà chính là vì Oxytetracycline không có tác dụng điều trị khỏi bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao trong 2 năm qua, người nuôi sử dụng Oxytetracycline vừa tạt xuống ao, vừa trộn vào thức ăn cho tôm ăn mà tôm vẫn chết. Một số trường hợp có thể thấy tôm ngừng chết trong khoảng thời gian 10 - 15 ngày, nhưng sau đó lại bị chết trở lại. Tình trạng như vậy cứ tiếp diễn, tái đi, tái lại để rồi cuối cùng khi thu hoạch tỷ lệ sống không còn được bao nhiêu, người nuôi càng kéo dài, càng theo đuổi thì càng bị thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Để nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả kinh tế cao, TS Nguyễn Nhứt tư vấn người nuôi cần phải trang bị đầy đủ các dụng cụ đo môi trường (pH, kiềm, NH3, ôxy hòa tan...), kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường để kịp thời xử lý, điều chỉnh khi có yếu tố nào vượt ra khỏi phạm vi thích hợp cho tôm nuôi. Thường xuyên tham khảo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật quản lý môi trường, quản lý sức khỏe tôm trong ao nuôi. Khi phát hiện tôm trong ao nuôi có những dấu hiệu bất thường thì điều đầu tiên phải làm là kiểm tra thật kỹ các yếu tố môi trường. Nếu tất cả đều nằm trong phạm vi tốt thì có thể nghĩ đến vấn đề bệnh. Trong trường hợp này, trước khi tiến hành xử lý cần tham vấn ý kiến của những người có nhiều kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu về nuôi trồng thủy sản - đặc biệt là nuôi tôm - để từ đó có cách giải quyết, xử lý phù hợp nhất, vừa đảm bảo mang lại hiệu quả cao trong phòng, trị bệnh, vừa đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, vệ sinh môi trường, an toàn sinh học…