Ông Chu Vĩnh Khang (giữa) từng được xem là ông trùm an ninh ở Trung Quốc.
Trước đây, ngoại trừ tin tức về mặt lễ tân, nhà nước, rất ít khi truyền thông Trung Quốc “đụng” đến Chu Vĩnh Khang. Chuyện về đời tư ông Chu hay chuyện làm ăn của con cái càng không bao giờ được nhắc đến.
Từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách nội chính và an ninh, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương, ông Chu được báo chí phương Tây gọi là “ông trùm an ninh” và xếp vào hàng ngũ những người quyền lực nhất nước này.
Tất cả đã thay đổi sau ngày 29.7, thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai quyết định điều tra đối với Chu Vĩnh Khang về “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một thuật ngữ ám chỉ tham nhũng. Trong mấy ngày ngắn ngủi, báo chí đại lục, Hồng Kông, Đài Loan chạy đua đăng tải những thông tin một thời bị coi là “tuyệt mật”.
Tờ Tài Kinh ở Bắc Kinh ngày 30.7 đăng một bài dài về gia đình ông Chu, trong đó có đề cập người vợ thứ nhất của ông là bà Vương Thục Hoa. Bà Vương được mô tả là người vợ đảm đang, hiền hậu nhưng 2 người ly hôn vào năm 2000 và không lâu sau đó bà thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông.
Đến nay, đã xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng cái chết của bà Vương không đơn thuần là tai nạn mà là một âm mưu để ông Chu thuận lợi đến với người vợ thứ hai - bà Giả Hiểu Diệp, kém ông 28 tuổi.
Tờ China Times (Đài Loan) dẫn các nguồn giấu tên từ Bắc Kinh loan tin bà Giả, từng là biên tập viên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), là “quà” do ông Lý Đông Sinh, cựu Phó giám đốc CCTV và cựu Thứ trưởng Công an, tặng ông Chu. Hiện bà Giả cũng đang bị tạm giam để điều tra.
Cũng theo tờ China Times, ông Chu bắt đầu có “bồ nhí” từ năm 1999 khi giữ chức Bí thư Tứ Xuyên, thậm chí tham gia trao đổi “chân dài” với cấp dưới và đối tác. Cựu ủy viên này bị nghi đã qua lại với hơn 400 phụ nữ.
Trục lợi nhờ quyền lực
Đến ngày 1.8, tờ WantChinaTimes dẫn kết quả điều tra chưa chính thức cáo buộc ông Chu và thân nhân đã tận dụng quyền lực của mình để trục lợi ích trong 5 ngành, bao gồm dầu khí, bất động sản, tài chính, du lịch văn hóa và cơ sở hạ tầng.
Ông này từng lãnh đạo Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) trong giai đoạn 1996 - 1998 và bị cho là đã “cài cắm” nhiều người thân cận trong CNPC vào các vị trí cao sau này. Nổi bật có Tưởng Khiết Mẫn từng nắm ghế Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước.
Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang, thì bị cáo buộc bắt tay với mẹ vợ thành lập nhiều công ty để độc quyền các gói thầu, dự án cung cấp trang thiết bị, nguyên liệu… cho CNPC với những hợp đồng lên tới hàng tỉ USD. Ngoài ra, vào năm 2008, một công ty đầu tư do gia đình ông Chu làm chủ đã mua cổ phiếu trị giá hơn 28 triệu USD từ Ngân hàng Thành Đô (Tứ Xuyên) và sau đó bán lại cho một công ty nhà nước với giá cao hơn nhiều lần.
Với thông báo ngày 29.7 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Chu là cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đầu tiên bị điều tra ở nước này. Trước đó, chính quyền đã lần lượt chặt bỏ nhiều vây cánh của ông Chu trong nhiều ngành khác nhau mà vụ điều tra Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai được xem là phát súng đầu tiên. Đến nay, có hơn 300 người thân, đàn em của Chu Vĩnh Khang, trong đó có Lý Đông Sinh và Tưởng Khiết Mẫn, bị bắt hoặc bị thẩm vấn trong khi giới chức Trung Quốc đã tịch thu tài sản trị giá tổng cộng hơn 14,5 tỉ USD, theo Reuters.
Một số chuyên gia nhận định, vụ điều tra Chu Vĩnh Khang cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra sau khi đảm nhận vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và càng xây dựng được vị thế vững chắc để tiến hành các định hướng chính sách của mình. Ngày 1.8, Tân Hoa xã dẫn lời đương kim Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương Mạnh Kiến Trụ tuyên bố ủng hộ quyết định điều tra ông Chu, một ngày sau khi tờ PLA Daily đăng tuyên bố tương tự từ quân đội nước này. Cũng theo PLA Daily, quân đội nước này tuyên thệ trung thành và kiên quyết chống lại sự cám dỗ của tiền bạc, quyền lực hay sắc đẹp.