Tuy nhiên vẫn còn nhiều diện tích nông dân canh tác lạc hậu, nhất là việc lựa chọn loại phân bón không phù hợp và bón không đúng kỹ thuật, nên tiềm năng và lợi thế cây chè còn hạn chế.
Lựa chọn phân bón
Đất trồng chè nơi đây đa số là đồi dốc, đất chua, độ pH từ 3 đến 4. Đất đồi dốc không nên bón loại phân tan nhanh, vì sau khi bón gặp mưa phân sẽ hòa tan hết, phân dễ bị rửa trôi. Bón phân có tính chất chua như phân đạm urê, phân lân hoặc một số phân khác có tính axít làm cho đất ngày càng chua thêm, không phù hợp với cây chè. Nhiều nông dân thích bón loại phân nào cho chè xanh ngay nên chọn phân đạm là chủ yếu. Sau mỗi đợt hái là một lần bón đạm, 1 năm có 7-8 lần bón, bón theo mưa, lượng đạm đầu tư lớn 60-80kg urê/sào. Với cách làm như vậy vừa lãng phí phân bón, cây chè sinh trưởng phát triển kém, sâu bệnh nhiều, giảm năng suất và ảnh hưởng đến chất lượng chè.
Để khắc phục tồn tại trên, nhiều địa phương đã chuyển sang sử dụng phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dùng cho cây chè rất hiệu quả. Ông Nguyễn Hải Khê - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên trăn trở: “Phân NPK Văn Điển trong đó có thành phần dinh dưỡng chính là lân. Lân Văn Điển không tan trong nước, chỉ tan trong dung dịch axit yếu do rễ cây tiết ra, nên cây cần đến đâu thì phân đáp ứng đến đấy do vậy hạn chế bị rửa trôi. Ngoài ra, NPK Văn Điển có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết nhất là các chất trung và vi lượng mà đất trồng chè đang thiếu hụt. Do thấy rõ những tồn tại trong sản xuất và hiệu quả của phân bón Văn Điển nên Hội Nông dân phối hợp công ty đưa phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển vào cho các loại cây trồng, trong đó có cây chè, để góp phần giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, thúc đẩy phong trào thi đua “Sản xuất kinh doanh giỏi”.
Đối với người trực tiếp làm chè nhiều vụ bón phân NPK Văn Điển cho chè càng thấy rõ vai trò của phân Văn Điển. Ông Vũ Văn Hội - Trưởng xóm Đồng Bòng, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương cho biết: “Bón NPK Văn Điển đỡ tốn công, 1 năm chỉ phải bón 2 lần, bón phân đạm, kali lứa chè nào cũng phải bón. Bón phân Văn Điển thì chè có màu xanh lá gừng, búp nhiều, mập, giảm số lần phun thuốc trừ sâu bệnh, năng suất cao và bán được giá cao hơn. Bón phân đạm urê chè lá mỏng, tích nước, búp chè nhỏ mướt yếu”.
Loại phân NPK Văn Điển bón cho chè và cách bón
Đối với chè giai đoạn kiến thiết cơ bản bón cho 1 sào: Năm thứ nhất bón NPK 8.6.4, 1 năm có 2 lần bón. Tháng 2, tháng 3: Bón 15-18kg, trộn đều, bón rạch sâu 6-8cm, cách gốc 25-30cm, phủ kín phân. Năm thứ 2 dùng NPK Văn Điển 8.6.4, chia làm 2 lần bón: Tháng 2, 3 bón 20-25kg, tháng 6, 7 bón 15-18kg. Năm thứ 3 bón phân NPK Văn Điển 16.8.8, chia làm 2 lần bón: Tháng 2, 3 bón 15-18kg, tháng 6,7 bón 15-18kg. Bón rạch sâu 6-8cm, cách gốc 30-40cm, phủ kín phân.
Đối với chè kinh doanh: Sau 3 năm sử dụng phân bón NPK chuyên dùng cho chè, qua thực tế năng suất cao hơn 2-3 lần so với phân bón thông thường, khi sao chè ít hao chỉ cần 3,85 - 4,2kg búp tươi cho 1kg búp khô. Dùng loại phân đa yếu tố NPK Văn Điển 16.8.8. Phân có thành phần dinh dưỡng là N: 16%, P2O5: 8%, K2O: 8%, CaO: 10%, MgO: 7%, SiO2: 9%, S: 2% và các chất vi lượng: Zn, B, Mo,... Hoặc dùng loại NPK 16.8.4 (N: 16%, P2O5: 8%, K2O: 4%, CaO: 15%, MgO: 8%, SiO2: 13%, S: 2% và các chất vi lượng: Zn, B, Mo,...). Hai loại phân trên có hàm lượng dinh dưỡng trên 60%. Mức bón: 60-80kg/sào 1 năm. Chia làm 2 lần bón- lần 1 vào tháng 3 bón 50% lượng phân; lần 2- tháng 8, 9 bón hết số phân còn lại.
Cách bón: Xới đất giữa 2 hàng chè, rải đều phân, lấp đất kín hoặc đào hố giữa hàng đối với đất bằng, đất đồi thì đào hố mép chè phía trên ta luy dương, mỗi hốc rộng 15-20cm, sâu 20-25cm, hốc cách hốc 30-40cm, sau đó rải phân rồi lấp đất chặt. Những nơi nào đã sử dụng loại phân trên đủ số lượng và bón đúng cách thì không phải bón thêm một loại phân nào khác mà rất hiệu quả.
Huyện Đại Từ có 5.000ha chè, đa số diện tích đã được bón phân NPK Văn Điển. Ông Triệu Viết Báo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Bón phân Văn Điển để cải tạo đất, giảm lần bón, giảm chi phí thuốc BVTV, chè lên chậm nhưng tốt bền, năng suất cao, khi pha được nước, hương vị đậm, thơm ngon. Huyện đang từng bước xây dựng vùng chè sạch cho nên cùng với việc trồng giống mới, thay đổi tập quán sản xuất thì lựa chọn phân NPK Văn Điển cho chè là rất thích hợp”.