Dân Việt

Gặp "chuyên gia" thụ tinh... cho bò

Đào Minh Trung 04/08/2014 06:36 GMT+7
20 năm gắn bó với nghề thụ tinh nhân tạo cho gia súc, trung bình mỗi năm ông Võ Kỳ Nam ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, Bình Định có khoản thu 100 triệu đồng.

Vào đầu những năm 1990 khi Nhà nước triển khai chương trình cải tạo đàn bò vàng địa phương, ông Nam là một trong những cán bộ thú y cơ sở trong huyện được giới thiệu đi đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo gia súc để làm dẫn tinh viên trong ngành khuyến nông.

Được học lý thuyết và thực hành bài bản kỹ thuật công nghệ cao thụ tinh nhân tạo cho bò, heo, ông áp dụng ngay trên con bò cái của gia đình. Sản phẩm đầu tay của ông là một con bê lai khỏe mạnh dòng Brahman ra đời.

“Thời đó, bò lai có ngoại hình đẹp như con Brahman màu trắng của gia đình tôi giá bán gấp hai, ba giá bò vàng địa phương, bà con đến tận chuồng tham quan, ai thấy cũng mê. Vừa làm dịch vụ, vừa tuyên truyền, giải thích nên bà con hiểu ra vấn đề cải tạo giống bò vàng”- ông Nam tâm sự.

Nhờ ông đã có hàng ngàn con bê lai chất lượng cao ra đời. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014 đã có 1.000 con bò trong và ngoài huyện được ông thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ đậu thai đạt trên 95%.

Ông Đặng Ngọc Tài ở xóm 1, thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường cho biết: “Nhà tôi thường xuyên nuôi 2-3 con bò cái sinh sản. Đêm hôm, gà gáy, trưa chiều, mưa nắng gì, hễ bò đến kỳ động dục là phải kêu ông Nam đến. Bình quân một năm, bán nghé lai, gia đình tôi kiếm cũng bộn tiền. Nhờ có bò lai mà cuộc sống gia đình tôi khấm khá”.

Chia sẻ vui, buồn trong nghề, ông Nam cho hay: “Nếu không ham nghề, thì những tai nạn như cột róng chuồng bò mục gãy, dây cột bò lỏng lẻo và một chút nôn nóng, sơ ý bị bò đá vào người, tỷ lệ thụ thai thấp, gặp trường hợp bò đẻ khó, xử lý không tốt, người nuôi mất niềm tin… đó là những áp lực luôn rình rập với người làm nghề thụ tinh nhân tạo. Tôi đã truyền nghề này cho con trai tôi. Nó đã gánh vác một phần công việc cho tôi…”.