Dân Việt

Chiến sự ở Gaza: Giấc mơ hòa bình dang dở

Mai Tiến Dũng (tổng hợp) 04/08/2014 06:23 GMT+7
Lệnh ngừng bắn ở Gaza trong vòng 72 giờ đã bị thất bại ngay trong 90 phút đầu tiên. Máu vẫn tiếp tục đổ ở Dải Gaza khi Israel tiếp tục tấn công vào các mục tiêu của lực lượng Hamas. Giấc mơ về hòa bình ở Trung Đông vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Hamas sẽ phải trả giá đắt

Lệnh ngừng bắn được đưa ra ngày 1.8 chỉ kéo dài vài giờ, ngay sau đó, quân đội Israel đã phản công rất ác liệt. Có ít nhất 107 người Palestine đã thiệt mạng sau các đợt pháo kích dữ dội của quân đội Israel, chủ yếu nhắm vào vùng Rafah, gần biên giới chung với Ai Cập.

Lý giải cho việc đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn, quân đội Israael cho biết, chưa đầy hai giờ sau khi có thông báo ngừng bắn, một nhóm chiến binh Palestine đã tấn công các binh sĩ Israel, đang đóng quân bên trong Dải Gaza, khiến hai binh sĩ Israel thiệt mạng, một người khác mất tích.

Tiếp tục chiến dịch đáp trả khốc liệt, ngày 3.8, quân đội Israel tiếp tục nã pháo vào các mục tiêu ở Gaza, trong đó có trường học LHQ ở miền Nam Gaza, nơi người dân Palestine tới trú ẩn để tránh các cuộc tấn công quân sự của Israel, khiến 10 người thiệt mạng.

Người phát ngôn cơ quan khẩn cấp Gaza Ashraf al-Qudra cho biết 30 người khác cũng bị thương trong vụ oanh kích tại thành phố Rafah. Theo nhân chứng và nhân viên y tế, một quả tên lửa được phóng từ một máy bay đã rơi trúng lối vào ngôi trường.

Một phát ngôn viên cơ quan phụ trách người tị nạn Palestine của LHQ dẫn các báo cáo ban đầu cho biết đã xảy ra một vụ pháo kích gần một trường học có gần 3.000 người tạm trú. Đây là lần thứ 3 trong vòng 10 ngày qua một trường học của LHQ bị tấn công.

Trong khi đó, Phát ngôn viên quân đội Israel, trung tá Peter Lerner, ngày 3.8 cho biết nước này đã bắt đầu rút một số lính bộ binh khỏi Dải Gaza và tái triển khai lực lượng khác dọc biên giới với dải đất này, song khẳng định sứ mệnh hiện nay vẫn tiếp diễn.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đề nghị binh lính đánh giá lại chiến dịch sau khi hoàn tất việc phá hủy các đường hầm quân sự của Hamas ở dưới khu vực biên giới. Thủ tướng Netanyahu cảnh báo Hamas sẽ phải "trả giá đắt" nếu tiếp tục nã rocket sang Israel.

Khu vực thảm họa

Trong vòng 26 ngày qua, kể từ ngày 8.7.2014, khi Israel phát động chiến dịch “Bảo vệ biên giới” nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza, có thể nói khu vực Dải Gaza thực sự là một “khu vực thảm họa”. Cuộc xung đột giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas của Palestine tại Gaza tính từ đó đến nay đã khiến 1.600 người Palestine thiệt mạng và khoảng 8.000 người bị thương. Trong số những người thiệt mạng có đến 300 trẻ em vô tội. Con số này đã vượt qua cả con số 1.410 người Palestine thiệt mạng trong cuộc tấn công lớn nhất của Israel hồi năm 2008. Phía Israel cũng có đến 56 binh sĩ và 3 dân thường thiệt mạng và khoảng 400 người bị thương. Liên Hợp Quốc cho biết trong tổng số 1,8 triệu người Palestine tại Gaza đã phải sơ tán, trong đó hơn 220.000 người lánh nạn tại các cơ sở của cơ quan này.

Đặc biệt riêng trong ngày 30.7, ngày thứ 23 của chiến dịch “Bảo vệ biên giới” mà Israel phát động, nhà chức trách y tế ở Gaza cho biết đã có 119 người Palestine đã thiệt mạng. Trong số đó, rất đáng lo ngại là Israel còn tấn công vào những khu vực có nhiều người tị nạn Palestine đang ẩn náu, điển hình như cuộc không kích vào sáng ngày 30.7 của Israel vào một trường tiểu học của Liên Hợp Quốc ở Dải Gaza làm 16 người thiệt mạng. Đây là lần thứ hai trong vòng chỉ một tuần qua, ngôi trường vốn được trưng dụng để làm nơi tị nạn cho hơn 3.000 người Palestine này đã bị pháo kích, khiến cộng đồng quốc tế lên án. Vào rạng sáng ngày 31.7, 80 người tại Dải Gaza đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

Đến nay quân đội Israel đã phá hủy được hàng chục đường hầm tại biên giới với Gaza. Ngày 31.7, Israel còn huy động thêm 16.000 quân dự bị tới Dải Gaza nhằm phá hủy mạng lưới đường hầm xuyên biên giới sang Israel của phong trào Hamas. Có thể thấy, Israel sẽ tiếp tục tấn công Gaza cho đến khi phá hủy toàn bộ các đường hầm mà Hamas xây dựng xuyên từ Gaza sang Israel.

Hamas cũng tuyên bố sẽ không ngừng giao tranh đến khi Nhà nước Do Thái và Ai Cập dỡ bỏ việc phong tỏa Gaza.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Obama đã gọi khủng hoảng hiện nay tại Gaza là điều "đau lòng" và cho biết sẽ nỗ lực để có một thỏa thuận đình chiến khác. Người đứng đầu nước Mỹ nhấn mạnh: "Những thường dân vô tội bị kẹt giữa làn đạn đang đè nặng lên lương tâm của chúng ta. Song Hamas cần phải tỏ ra thành thật trong ý muốn chấm dứt bạo lực”.

    Một phái đoàn đàm phán gồm đại diện các phe phái chính trị của Palestine đã đến Cairo tối 2.8 để trình lên Ai Cập các điều kiện ngừng bắn với Israel. Việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa do Israel áp đặt tại Dải Gaza vẫn là yêu sách đầu tiên trong số các điều kiện ngừng bắn của phía Palestine. Những yêu cầu khác của Hamas gồm: Rút lực lượng không quân khỏi không phận Gaza, cho phép người dân cầu nguyện tại thánh đường Hồi giáo Aqsa, xây dựng một cảng biển đặt dưới sự giám sát của quốc tế và tái thiết Gaza.