Dân Việt

Giá than “dọa” giá điện

Mai Hương 05/08/2014 06:59 GMT+7
Từ 21.7, giá than bán cho sản xuất điện lại tiếp tục tăng lên gần 5% (thêm 74.000 đồng/tấn) gây sức ép cho các nhà máy nhiệt điện và cho cả hoạt động của EVN. Người dân lại bắt đầu lo ngại giá điện sẽ tăng...

Thêm sức ép tăng giá điện

Theo ông Nguyễn Loãn - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Phát điện 1 (GENCO 1), hiện nay giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện là 1.484.000 đồng/tấn. Việc tăng giá bán than rõ ràng đã làm tăng chi phí sản xuất điện. Đặc biệt, trong những tháng cao điểm mùa khô này, EVN luôn phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí.

Hiện tại, GENCO 1 tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn than/năm. Với giá than tăng 74.000 đồng/tấn, thì mỗi năm chỉ tính riêng chi phí mua than đảm bảo cho các nhà máy hoạt động bình thường, GENCO 1 cần có thêm 370 tỷ đồng. Tương tự, Tổng Công ty Phát điện 2 (GENCO 2) quản lý 2 đơn vị nhiệt điện lớn là Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh. Mức tiêu thụ than của 2 đơn vị này vào khoảng 7 triệu tấn/năm. Với giá bán than tăng thêm 74.000 đồng/tấn, hàng năm, GENCO 2 cần thêm khoảng 500 tỷ đồng để mua than. Theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giá than bán cho điện tăng là điều khó tránh vì giá than cũng phải theo thị trường, ngành than không thể chịu lỗ để bán than cho điện với giá thấp. “Giá than tăng sẽ làm chi phí sản xuất điện tăng lên. Do đó, giá điện tới đây cũng phải được điều chỉnh tăng” - ông Ngãi nói.

Năm 2014, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp điện đã được tính toán ước tăng thêm khoảng 5.500 tỷ đồng bởi tác động của giá than, giá khí, thuế tài nguyên nước… tăng. Thủ tướng đã đồng ý với phương án giá khí đầu vào (cho sản xuất điện với lượng khí trên bao tiêu) từ ngày 1.4.2014 bằng 70% giá thị trường (cộng với chi phí vận chuyển, phân phối). Từ 1.7.2014, sẽ tăng lên 80%; từ 1.10.2014 tăng tiếp lên 90% và từ 1.1.2015, sẽ bằng 100% mức giá thị trường.

Trở lại việc giá than bán cho điện tăng lên, từ năm 2013, giá than cho điện đã được tính bằng giá thành sản xuất và từ ngày 1.1.2014, được áp theo giá thị trường. Với mức giá mới này (chưa tính giá than mới tăng thêm 74.000 đồng) thì chi phí mua than của các nhà máy điện trong hệ thống sẽ tăng thêm 1.818 tỷ đồng so với các tính toán trước đó. Ngoài giá than và giá khí đều được điều chỉnh tăng theo hướng ngang bằng với thị trường, thì sản xuất điện năm nay cũng chịu thuế tài nguyên nước tăng lên 4% từ mức 2% (áp dụng từ đầu năm 2014), đã làm chi phí phát điện của các nhà máy thủy điện tăng thêm 1.489 tỷ đồng…

Chưa có đề xuất tăng giá điện

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương hôm qua (4.8), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nguyên tắc của việc điều chỉnh giá điện là EVN phải có đề xuất với Bộ Công Thương cho phép tăng giá điện và Bộ sẽ phải xem xét có cho tăng hay không. “Song hiện chúng tôi chưa nhận được đề xuất nào về tăng giá điện từ EVN nên có thể khẳng định, giá điện chưa tăng lên tới đây”-ông Hải nói.

Trước đó, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, các chi phí tăng thêm trong sản xuất điện của năm 2014 sẽ do EVN tính toán và trình lên Cục. Việc tăng giá điện sẽ tuân thủ theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ. Giá bán lẻ điện bình quân hiện tại là 1.508,8 đồng/kWh được áp dụng từ ngày 1.8.2013. 

   Theo các quy định hiện hành, giá bán lẻ điện bình quân trong các năm 2013-2015 sẽ không thấp hơn mức 1.437 đồng/kWh và không cao hơn mức 1.835 đồng/kWh.