Phải chi Nhà nước có hỗ trợ cho chúng tôi vay vào đầu vụ sản xuất thì êm quá. Đầu mùa nước chưa làm gì ra tiền, hầu như ai cũng vay ngoài, lãi cao ngán quá”.
Nhà nhà có việc
Tháng 8! Mùa nước nổi ở miền Tây đang “rục rịch” đổ về trên sông Tiền, sông Hậu, đây cũng là thời điểm để các làng nghề ăn theo con nước làm ăn hiệu quả nhất. Dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn ngủi (đầu mùa nước nổi), nhưng những làng nghề này đã tạo việc làm cho rất nhiều nông dân, lúc nông nhàn, tranh thủ kiếm thêm thu nhập…
Vì ăn theo con nước nên những làng nghề này cũng thường tập trung nhiều ở những vùng đầu nguồn Cửu Long thuộc các huyện An Phú, Tân Châu, Chợ Mới (tỉnh An Giang), Tháp Mười, Thanh Bình, Hồng Ngự, Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp)…
Bà Năm Mẫn một người làm nghề đan lọp cua (dụng cụ dùng để bắt cua) ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang cho biết: “Năm nào nước lớn thì “kiếm cơm” khá hơn nước nhỏ vì cá tép nhiều. Nhìn chung là nước lớn dễ làm ăn hơn, người làm lọp lờ cũng bán được nhiều mà người đánh bắt cá cũng “trúng” hơn. Tui vừa giữ mấy đứa cháu, vừa mần lai rai, kiếm cũng được năm bảy chục ngàn đồng một ngày, có đồng vô đồng ra cũng đỡ hơn mùa khô”.
Tiêu biểu và “sầm uất” nhất phải kể đến làng nghề lọp tép Xẻo Sao (thuộc khóm Bình Khánh 4, phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên). Anh Nguyễn Văn Tốt, thợ làm lọp tép lâu năm ở đây cho biết:
“Làng nghề lọp tép này đã tồn tại ổn định trên 50 năm nay với khoảng trên dưới trăm hộ làm nghề. Vào mùa nước nổi nơi đây tính trung bình mỗi hộ có từ 4 – 5 người tham gia làm lọp, tạo việc làm cho mấy em cháu đỡ lắm, mỗi ngày mỗi đứa kiếm cũng được từ 80.000 – 100.000 ngàn đồng”.
Trăn trở với nghề
“Khi nước mới bắt đầu “nhảy khỏi bờ” (rằm tháng 7) thì những người làm nghề lọp lờ ở đây tập trung sản xuất lợp đề bán. Đến khi nước đã “tràn đồng” thì họ vừa sản xuất lọp vừa đi đặt lợp để kiếm thêm cá tép cho bữa ăn” – anh Nguyễn Văn Hiếu phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên chia sẻ.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Trưởng phòng Hành chính – tổng hợp, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương An Giang cho biết:
“Trước đây theo Đề án 31 của tỉnh (đề án về phát huy khai thác lợi thế mùa nước nổi), các hộ trong các làng nghề mưu sinh theo mùa nước nổi có được hưởng một số chính sách hỗ trợ, trong đó có cho vay vốn. Nhưng từ khi đề án kết thúc cho đến nay hầu như không còn chính sách nào hỗ trợ cho các hộ diện này.
Hiện nay hầu như chúng tôi cũng không còn theo dõi thống kê về số lượng hộ, số lượng lao động hay tình hình sản xuất của những làng nghề liên quan đến mùa nước nổi” – ông Hưng cho hay.
Còn ông Phạm Lạc Tiên – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, cho biết: “Sắp tới phường tiếp tục đề xuất và họp hộ cơ sở kinh doanh ở làng nghề lưới để thống nhất thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất, nhằm ổn định đầu ra cho hộ làm nghề.
Bên cạnh đó, cũng tạo thuận lợi cho ngân hàng hỗ trợ cho các hộ vay vốn, phát triển làng nghề. Chúng tôi đang đề xuất chuyển đổi hướng cho vay đối với hộ làm lưới ở làng nghề, vì nếu giữ mức cho vay theo diện kinh doanh như hiện nay thì lãi suất quá cao.