Việc “cấp thẻ hành nghề” nhằm tăng cường quản lý chất lượng đàn lợn đực giống, giúp từng bước cải tạo đàn lợn của nước ta sẽ được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) triển khai đồng loạt trong năm 2015.
Hiện tại, việc điều tra, phân loại và đeo thẻ tai thí điểm cho lợn đực giống sẽ được Cục Chăn nuôi phối hợp với 3 tỉnh gồm Nam Định, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương thực hiện, dự kiến hoàn thành trước tháng 11.2014.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện thí điểm gắn thẻ tai cho lợn đực giống, hôm qua (5.8), Cục Chăn nuôi và Sở NN-PTNT Nam Định đã có cuộc họp bàn các phương án triển khai.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã thống nhất chủ trương trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi, lợn vẫn là đối tượng mà Việt Nam có nhiều ưu thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển. Vì vậy, nhiều giải pháp tập trung cho việc củng cố và phát triển đàn lợn sẽ được Bộ NN-PTNT chú trọng trong thời gian tới.
Đoàn công tác Cục Chăn nuôi kiểm tra một số cơ sở lợn đực giống tại Nam Định
Trong đó, vấn đề chất lượng con giống, đặc biệt là việc quản lí lợn đực giống hiện nay ở nhiều địa phương gần như buông lỏng. Điều này đang khiến hệ số sinh/nái/năm của đàn lợn nước ta đang rất thấp (trung bình chỉ 14 con/nái/năm), đồng thời khiến đàn lợn thịt phát triển kém, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt quá thấp (trung bình chỉ 67,2kg/con).
Đơn cử tại Nam Định, địa phương điển hình cho bộ mặt đàn lợn đực giống ở nước ta cho thấy, hiện toàn tỉnh chỉ có vẻn vẹn 80 con lợn đực giống thụ tinh nhân tạo, còn lại, đang có tới hơn 1.500 con lợn đực giống thụ tinh phối trực tiếp (chiếm tới trên 75% tổng đàn lợn đực giống).
Trong khi đó, việc quản lí sử dụng lợn đực giống, hằng năm tỉnh này mới chỉ giám định chất lượng được đối với lợn sử dụng để SX tinh, còn lại hơn 1.500 con lợn thụ tinh trực tiếp chưa thể quản lí chất lượng...
Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT xác định, chỉ cần cải thiện được đàn lợn đực giống, mỗi năm đàn lợn của Việt Nam sẽ tăng thêm ít nhất 1 triệu con. Vì vậy, việc tăng cường quản lí, nâng cao chất lượng đàn lợn đực giống sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm sớm cải thiện cho đàn lợn của nước ta.
Toàn bộ hồ sơ thông tin của từng cá thể lợn đực giống sau khi cấp thẻ, sẽ được Cục Chăn nuôi và Sở NN-PTNT các tỉnh số hóa bằng phần mềm để theo dõi giám sát và kiểm tra định kỳ. |
Để thực hiện quản lý gắn thẻ tai cho đàn lợn đực giống, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT thành lập BCĐ thực hiện, trong đó nòng cốt là lực lượng cán bộ chăn nuôi - thú y cơ sở, kết hợp với lực lượng khuyến nông...
Trước mắt, các tổ công tác ở địa phương (cấp xã, thôn) sẽ tiến hành việc thống kê thu thập, phân loại các thông tin về các cơ sở và đàn lợn đực giống như: Tên cơ sở, địa chỉ, phân loại lợn đực phối trực tiếp hoặc khai thác nhân tạo... Hiện tại, 3 tỉnh thực hiện thí điểm gắn thẻ tai cho lợn đực giống đã cơ bản hoàn thành công đoàn điều tra này.
Trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo nhằm điều tra đánh giá, phân loại chất lượng đàn lợn đực giống để gắn thẻ tai cho từng cá thể.
Cụ thể đối với lợn đực phối giống trực tiếp, các tổ công tác phối hợp với cá nhân, chủ cơ sở SX sẽ thu thập các thông tin theo phiếu điều tra về nguồn gốc lí lịch, độ tuổi, chất lượng và chế độ chăm sóc...
Việc điều tra chất lượng lợn đực giống cũng sẽ được tiến hành thông qua việc kiểm tra kết quả thụ tinh của lợn đực đó trên 10 cá thể lợn nái được phối giống trong thời gian gần nhất tại 10 ổ đẻ nhằm đánh giá tỉ lệ số con sơ sinh còn sống và chất lượng lợn con.
Đối với lợn đực giống SX tinh phục vụ phối giống nhân tạo, việc điều tra thông tin sẽ được tiến hành chặt chẽ hơn thông qua việc lấy mẫu phân tích mẫu tinh ngẫu nhiên bằng các thiết bị kiểm tra nhanh...
Thông qua những thông tin định tính và định lượng thu thập được, Cục Chăn nuôi sẽ tiến hành đánh giá và gắn thẻ tai cho các cá thể lợn đạt yêu cầu. Thẻ tai này do Cục Chăn nuôi phát hành, có các thông tin mã hóa cho từng cá thể lợn đực giống như mã tỉnh, mã huyện, năm cấp, ký hiệu giống, số thứ tự cá thể...
Khi lợn đực giống loại thải hoặc không sử dụng nữa, Trưởng ban Chăn nuôi - Thú y cấp xã có trách nhiệm kiểm tra thu hồi và tổng hợp báo cáo định kỳ về Sở NN-PTNT các tỉnh.