Trước đó, ông Lưu Hán nhận án tử hình hồi tháng 5 sau khi bị Tòa án nhân dân thành phố Hàm Ninh khởi tố 13 tội danh trong đó có giết người, tổ chức đánh bạc, điều hành tổ chức mafia và buôn bán hàng cấm.
Em trai của ông này là Lưu Duy và 3 đàn em khác cũng chịu chung bản án tử hình. Ngoài ra, 31 đồng đảng khác cũng bị kết án với nhiều tội danh như giết người, tham gia vào các băng nhóm xã hội đen.
Lưu Hán trong phiên tòa xét xử hồi tháng 5.
Hồi đầu tháng 6, trùm mafia Lưu Hán và các đàn em nộp đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao tỉnh Hồ Bắc nhưng bị bác hôm nay (7.8).
Tuy nhiên, bản án tử hình với Lưu Hán và đồng bọn sẽ vẫn còn được xem xét lại một lần nữa bởi Tòa án tối cao Trung ương ở Bắc Kinh.
Anh em họ Lưu và đồng bọn bị bác đơn kháng cáo trong bối cảnh cựu ủy viên thường vụ bộ chính trị Chu Vĩnh Khang vừa bị bắt để điều tra tội tham nhũng cách đây khoảng một tuần.
Có nhiều thông tin cho rằng, trùm mafia họ Lưu có mối quan hệ mật thiết với cha con ông Chu Vĩnh Khang. Theo truyền thông Trung Quốc, Lưu Hán là bạn thân của Chu Bân, con trai cả của Chu Vĩnh Khang.
Tập đoàn Hán Long của Lưu Hán từng mua lại một công ty du lịch của Lưu Bân với giá 12 triệu nhân dân tệ (gần 2 triệu USD). Tập đoàn này cũng đầu tư vào một công ty điện của Lưu Bân ở tỉnh Tứ Xuyên. Công ty này năm ngoái được bán lại với giá 1,7 tỷ nhân dân tệ.
Lưu Hán là một nhân vật nổi tiếng không chỉ ở Tứ Xuyên mà khắp Trung Quốc bởi từng là chủ tịch Hội Thương gia tỉnh kiêm Ủy viên Thường vụ của Hội nghị Hiệp thương chính trị tỉnh Tứ Xuyên các khóa 9,10, 11.
Trên thương trường, Lưu Hán là “con hổ” trong ngành khai khoáng. Ngoài các hầm mỏ ở Tứ Xuyên, Tập đoàn Hán Long còn đầu tư sang châu Phi, thu mua mỏ sắt lớn của đại gia làng thép Australia Sundance, thao túng các mỏ sắt ở Cameroon. Tập đoàn này từng bị phạt 300 triệu nhân dân tệ vì làm giả hồ sơ để vay vốn ngân hàng.