Diện tích thanh long ruột đỏ tại hai tỉnh này do đó cũng tăng lên rất nhanh.
Cụ thể, năm 2010, Tổ Hợp tác thanh long Phước Lộc (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) được thành lập chỉ với 10 tổ viên, có diện tích trồng thanh long ruột đỏ đạt 10ha.
Đến giữa năm 2014, con số này tăng lên 85ha. Dưới sự hướng dẫn của Viện Cây ăn quả Miền Nam, các hộ dần thay đổi tập quán canh tác cũ, thực hiện sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP. Lợi nhuận mang lại cho bà con trồng thanh long ruột đỏ ở Vũng Tàu khá cao, đạt 300 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), ban đầu chỉ có vài hộ tham gia dự án với khoảng 2ha diện tích thanh long. Đến năm 2014, tổng diện tích vườn trồng loại cây này đã tăng 10 lần, lên 22ha. Lợi nhuận trồng thanh long tại Trảng Bom đạt 400 triệu đồng/ha/năm.
Với năng suất đạt từ 35 – 40 tấn/ha, mới đây, huyện Trảng Bom và huyện Xuyên Mộc đã triển khai đưa cây thanh long ruột đỏ vào thay thế cây bắp, mía không hiệu quả nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Từ đó, dần dần phát triển thành các vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ.