Dân Việt

Thay đổi điểm sàn nhiều mức: Vẫn là quy trình… ngược

Tùng Anh 11/08/2014 16:45 GMT+7
Mấy năm gần đây, Bộ GDĐT liên tiếp đưa ra những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến các kỳ thi: Tuyển sinh ĐH-CĐ, tốt nghiệp THPT, dự kiến về kỳ thi quốc gia chung và mới đây nhất là thay đổi điểm sàn với nhiều mức, mà theo cách nói khác của Bộ GDĐT là các “ngưỡng đảm bảo chất lượng”.

Theo kỳ vọng của Bộ GDĐT, điểm sàn trước đây và “ngưỡng chất lượng”, sau này là tiêu chí để kiểm soát chất lượng đầu vào, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Nhân tiện, trong giai đoạn chưa thành lập được các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và chưa xây dựng được các tiêu chí cho việc kiểm định này thì điểm sàn cũng được “ngầm hiểu” là tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo của các trường ĐH-CĐ. Nói như Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khi công bố các mức điểm sàn ngày 8.8: “Việc lựa chọn các mức điểm sàn của các trường cũng là một tiêu chí để xác định uy tín, chất lượng và giá trị tấm bằng đào tạo của các trường ĐH-CĐ. Trường nào chọn đầu vào cao thì sẽ được các thí sinh tin tưởng và chọn thi vào các năm sau”. Hiểu như vậy, liệu đã đúng?

Trong khi, rất nhiều trường ĐH tốp trên như ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, Bách khoa, ĐH Y, Dược… nhiều năm nay đã không quan tâm đến vấn đề điểm sàn. Họ cho rằng, dù điểm sàn như thế nào cũng chẳng ảnh hưởng đến điểm chuẩn của họ vì điểm chuẩn của các khối trường này luôn cao, cách xa điểm sàn và nguồn tuyển lúc nào cũng ăm ắp. Còn những trường tốp giữa thì đương nhiên cứ “an toàn” mà lấy bằng điểm sàn tối thiểu. Trong trường hợp không tuyển đủ nguyện vọng (NV) 1, họ có thể hạ điểm chuẩn để lấy những thí sinh đã “mặn mà” với việc thi vào trường mình mà không phải chơi trò may rủi là tuyển NV2, NV3.

 

Và điểm sàn cuối cùng chỉ quan trọng đối với các trường tốp dưới. Đương nhiên các trường này sẽ chọn mức điểm sàn thấp nhất để tuyển đủ chỉ tiêu. Theo như mức điểm tối thiểu vừa được Bộ GĐĐT công bố thì không khác nhiều so với các năm trước. Dư luận có thể nghi ngờ về việc lặp lại điệp khúc “Bộ nói thừa nguồn tuyển trong khi có hàng trăm khoa, ngành, thậm chí có trường phải dừng tuyển sinh vì không tuyển đủ chỉ tiêu?”.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định rằng không có một chế tài nào buộc các trường tốp trên phải lựa chọn mức sàn cao nhất, trường tốp trung bình lựa chọn mức sàn thứ 2 để có phần “dôi ra” cho các trường top dưới. Chính vì vậy, việc phân 3 mức điểm sàn với mục đích để phân tầng các trường ĐH là hoàn toàn “cảm tính” và phải dựa vào sự tự ý thức của các trường ĐH trong việc muốn khẳng định mình hay không. Các mức điểm sàn được coi là “bước đột phá” của Bộ GDĐT sẽ không còn ý nghĩa.

Đánh giá cách làm của Bộ GDĐT, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ vẫn chưa “nhìn thẳng vào thực tế”. Việc kiểm soát chất lượng tấm bằng ĐH không nằm ở điểm sàn mà là ở việc kiểm soát chương trình đào tạo, kiểm soát đầu ra. Nếu cứ làm theo “quy trình ngược” như thế này thì con số hàng nghìn cử nhân thất nghiệp sẽ khó mà cải thiện được trong một vài năm tới.