Điểm sàn thấp nhất là 13 điểm
Theo quyết định của Hội đồng điểm sàn (Bộ GDĐT), điểm sàn năm nay sẽ có 3 mức để các trường lựa chọn căn cứ vào chất lượng đào tạo và nguồn tuyển của trường mình. Trong đó, mức sàn tối thiểu để thí sinh có cơ hội vào học ĐH năm nay là: Khối A: 13 điểm; A1: 13 điểm; B: 14 điểm; C: 13 điểm và D: 13 điểm. Đối với hệ CĐ, mức điểm sàn tối thiểu giảm 3 điểm tương đương với các khối. Ngoài ra, ở hệ ĐH, mỗi khối sẽ có thêm 2 mức điểm sàn tăng dần đến tối đa là 18 điểm. Với mức điểm này, sau kỳ thi ĐH-CĐ 2014, cả nước có khoảng 650.000 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên, đồng nghĩa với việc có cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 là 350.000 sinh viên. Như vậy, khoảng 300.000 thí sinh đủ điểm sàn nhưng vẫn trượt ĐH. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Nguồn tuyển năm nay gần gấp đôi chỉ tiêu, đây là cơ hội để các trường tuyển đủ, sẽ không thể kêu ca “cạn” nguồn tuyển như các năm trước nữa”.
Đối với các trường ĐH - CĐ có xét tuyển, thi tuyển các môn nhân hệ số 2 việc quy định đạt điểm sàn có sự thay đổi như sau: Điểm sàn = (điểm 2 môn thi + điểm thi môn chính x 2) x 3/4 + điểm ưu tiên (nếu có) x 4/3. Theo ông Trinh, cách tính như trên sẽ rất có lợi cho thí sinh. Trong trường hợp thí sinh có tổng điểm 3 môn + điểm ưu tiên không đạt mức điểm xét tuyển cơ bản nhưng môn thi chính đạt điểm cao thì dễ dàng đỗ: “Đây là bước khởi đầu hướng tới việc chọn người học theo năng lực” – ông Trinh nói.
Chọn “đủ chỉ tiêu” hay “uy tín”?
Nguyễn Thị Tú Anh -
thí sinh ở Ba Vì (Hà Nội)
Em thi vào ĐH Tài nguyên - Môi trường được 14 điểm, đủ điểm sàn nhưng vẫn trượt vì điểm chuẩn của trường cao hơn điểm sàn nhiều. Em dự kiến sang năm thi lại chứ không nộp hồ sơ xét tuyển vào cao đẳng”.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đây là năm đầu tiên trong suốt 13 năm tổ chức thi “3 chung”, Bộ GDĐT xác định tới 3 mức điểm sàn ở bậc ĐH thay vì một mức duy nhất như mọi năm: “Các mức điểm sàn này sẽ phân khúc nguồn tuyển. Trường tốp trên chọn mức cao nhất, tốp giữa chọn mức 2, tốp cuối là những trường chưa khẳng định được mình thì chọn mức 3. Các trường có thể cân nhắc để tránh rủi ro giữa điểm đầu vào và việc khẳng định uy tín của trường mình. Tương tự, thí sinh cũng có thể lựa chọn để tránh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường tốp cao và… trượt” – ông Ga nói.
“Việc lựa chọn các mức điểm sàn của các trường cũng là một tiêu chí để xác định uy tín, chất lượng và giá trị tấm bằng đào tạo của các trường này các năm sau đó. Vì vậy Bộ cũng coi đây là một “gợi ý” quan trọng để đưa vào đánh giá xếp hạng các trường ĐH-CĐ dự thảo đang được Bộ GDĐT bàn luận để thống nhất” – ông Ga khẳng định.
Tuy nhiên, một thành viên trong Hội đồng xác định điểm sàn, hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng, việc xác định 3 mức điểm sàn ở mỗi phương án không phải điều gì đó đặc biệt. “Tôi tin chắc nhiều trường sẽ vẫn chọn mức điểm sàn thấp nhất nhưng sẽ đưa ra mức điểm chuẩn cao hơn. Sở dĩ họ chọn thấp nhất để đảm bảo sự an toàn” – thành viên này chia sẻ.
Hiện tại, đã có 42 trường ĐH công bố điểm chuẩn vào trường mà không đợi Bộ GDĐT công bố điểm sàn. Trường có điểm chuẩn đầu vào cao nhất là ĐH Y Hà Nội và ĐH Ngoại thương Hà Nội với điểm chuẩn từ 23 điểm trở lên.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết: Các mức điểm sàn trên được tính dựa trên tổng số thí sinh đã dự thi đủ 3 môn (tránh thí sinh “ảo” - PV). Trong số hơn 1 triệu thí sinh này, ở từng khối Bộ xác định mức điểm số mà 50% thí sinh đạt được (điểm trung vị). Điểm sàn tối thiểu được xác định bằng điểm trung vị trừ đi 0,5 điểm (mức điểm 60% thí sinh đạt được); mức điểm thứ 2 được xác định bằng điểm trung vị cộng thêm 0,5 điểm; mức điểm cao nhất hơn mức điểm thấp nhất 3 điểm (chỉ khoảng 20 - 30% thí sinh đạt mức này).
XEM THÊM: Xem điểm chuẩn NV1, NV2 của hàng trăm trường ĐH, CĐ 2014
Vui lòng nhập nội dung bình luận.