Dân Việt

10 chiêu kiếm bộn tiền của gia đình Chu Vĩnh Khang

Phương Đăng (theo WTC) 11/08/2014 19:30 GMT+7
Kinh doanh xăng dầu, thủy điện, xe hơi, du lịch, thậm chí là cả phim ảnh mang về cho gia đình cựu "trùm an ninh" Chu Vĩnh Khang khối tài sản lên tới 160 triệu USD (1 tỷ nhân dân tệ).

Kết quả điều tra cựu Ủy viên thường trực Bộ Chính trị giai đoạn 2007 – 2012 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang phơi bày khối tài sản kếch xù trị giá 160 triệu USD (1 tỷ nhân dân tệ) mờ ám của gia đình cựu trùm an ninh này.

img

Ông Chu Vĩnh Khang bắt tay với các đại biểu quốc hội tỉnh Thiểm Tây khi tham dự một cuộc thảo luận nhóm ở Bắc Kinh năm 2011. Ảnh: Reuters.

Dưới đây là danh sách các hoạt động thương mại béo bở giúp ông Chu và gia đình kiếm bộn tiền:

 1.  Bảo trợ và làm đại lý cho hoàng loạt thương hiệu rượu nổi tiếng: Ông Chu Nguyên Hưng, em trai ông Chu Vĩnh Khang, nhờ cái bóng quá lớn của người anh trai làm quan to, giành được nhiều bổng lộc bao gồm quyền nhượng quyền thương mại cho thương hiệu rượu cao cấp Wuliangye và trở nên giàu sụ. Dù chỉ tốt nghiệp phổ thông và không có tài cán gì, nhưng vì vừa có tiền vừa có quyền, ông Chu Nguyên Hưng vẫn “làm mưa làm gió” ở   thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, quê nhà của anh em họ Chu.

 2.  Tham gia hoạt động kinh doanh dầu khí: Năm 2004, Chu Bân, cậu ấm của ông Chu Vĩnh Khang thành lập công ty ở Bắc Kinh tên là Zhongxu, chuyên “làm ăn” với các doanh nghiệp dầu khí nhà nước. Hợp đồng béo bở nhất mà công ty Zhongxu giành được là giành được quyền thăm dò dầu khí tại mỏ dầu Changqing với giá 3,2 triệu USD từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và sau đó bán lại với giá 89,3 triệu USD (550 triệu nhân dân tệ).

3. Năng lượng sạch: Không chỉ kinh doanh trên lĩnh vực dầu khí, cậu ấm Chu Bân của ông Chu Vĩnh Khang còn gián tiếp góp cổ phần vào tập đoàn năng lượng Zhongmao. Đây chính là tập đoàn sở hữu 7 trạm tiếp khí gas hóa lỏng (LNG) ở  Baoding, tỉnh Hà Bắc, chủ yếu phục vụ 694 xe bus LNG trong thành phố này.

4. Thủy điện: Ngoài dầu khí, công ty Zhongxu của cậu ấm Chu Bân còn đầu tư tới 8,5 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) cho 2 nhà máy thủy điện.

 5. Đại lý phân phối xe Audi: Zhou Linying, em vợ của ông Chu Vĩnh Khang là đại lý chính của hãng xe hơi Audi tại Trung Quốc. Zhou Linying sở hữu một chuỗi các cửa hàng Audi, mang lại khoản lợi nhuận kếch xù.

6. Trên lĩnh vực văn hóa và du lịch: Huang Yuan, con dâu của ông Chu Vĩnh Khang, vợ của cậu ấm Chu Bin, đầu tư 4,5 triệu nhân dân tệ (730.000 USD) để thành lập một công ty du lịch nhằm khai thác khu du lịch núi Jiuding ở Tứ Xuyên trong 50 năm. Sau đó, công ty du lịch của Huang lại bán lại quyền khai thác du lịch núi Jiuding với giá 20 triệu nhân dân tệ (3,2 triệu USD).

7.  Cho thuê nhà công vụ: Nhờ bóng bố là quan to, thông qua môi giới, “cậu quý tử” Chu Bân cũng tham gia một dự án nhà ở công vụ cho thuê tại Bắc Kinh.

 8. Sản xuất phim, chương trình truyền hình: Năm 2004, Zhan Minli, vợ hai của ông Chu Vĩnh Khang, mẹ kế của Chu Bin thành lập công ty văn hóa - truyền thông có trụ sở ở Bắc Kinh để sản xuất, khai thác và kinh doanh phim lẫn các chương trình truyền hình.

9. Quản lý hàng nghìn các trạm xăng: Công ty Zhongxu của quý tử Chu Vĩnh Khang, Chu Bân cũng gián tiếp tham gia vào việc quản lý 8.000 trạm xăng dưới sự bảo trợ của CNPC.

10. Bất động sản: Zhan Minli, mẹ vợ của quý tử nhà họ Chu sở hữu bất động sản ở Bắc Kinh có tổng diện tích 1.300 m2, trị giá khoảng 13 triệu USD.