Đã có thời gian dài, nhiều người có chung quan niệm rằng, chỉ có những người không có vốn, không được học hành (hay nói đúng ra là thiếu tri thức), không có quan hệ thì mới phải làm nông và phần nhiều mọi người vẫn bảo lưu quan điểm, không biết làm gì mới làm nông nghiệp. Bởi làm nông nghiệp là phải chân lấm, tay bùn, phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quanh năm chẳng biết đến ăn ngon, mặc đẹp…
Thế rồi, chỉ mới đây thôi một “làn sóng” của các đại gia đổ vốn vào làm nông nghiệp, đã bất giác “đánh thức” quan điểm về làm nông nghiệp. Dư luận rất bất ngờ với một ông “Bầu Đức” vốn nhẵn mặt trên thị trường bất động sản và bóng đá bỗng dưng đi trồng mía, nuôi bò. Ban đầu, trong 10 người nói về việc làm của ông Đức, thì có lẽ phải đến 7-8 người bảo ông này “rửa” này, “rửa” kia. Nhưng chỉ đến khi, ông chứng minh bằng kết quả thực tế, đó là muốn làm nông nghiệp có lãi, thì phải đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, mà quả thực ông có lãi và lãi thật từ chính nông nghiệp.
Hay như bà Thái Hương, một doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng, người đi tiên phong trong ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp hiện đại ban đầu cũng chịu không ít “thị phi”, rồi những lời gièm pha kiểu như: Làm kiểu đấy lấy đâu ra lãi, rồi lại đổ bể thôi… Nhưng rồi bà cũng đã gặt hái được những thành công ban đầu trong việc nâng cao sản lượng sữa trên mỗi con bò. Bằng việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, đàn bò sữa tới vài chục nghìn con của bà đã nuôi được ở ngay trên vùng đất nóng Nghĩa Đàn (Nghệ An), không những thế, đàn bò cao sản ở đây hàng ngày mỗi con cho trung bình từ 30-50 lít sữa, cao gần gấp đôi so với bò sữa thông thường của người dân nuôi. Đó chính là lý do vì sao bà đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu sữa TH true MILK.
Ông Đức, bà Hương chỉ là hai trong số những “gương mặt” điển hình đầu tư vào nông nghiệp mà dư luận biết đến, hiện đang có rất nhiều người được xếp vào hàng đại gia đi làm nông nghiệp. Họ làm nông nghiệp không phải vì thừa tiền đi “thôn tính” mấy quả đồi, mấy nông lâm trường cho vui, mà họ làm trước tiên là để có lợi nhuận, sau nữa là để phần nào thay đổi nền nông nghiệp manh mún của nước ta hiện nay. Có nhiều người đã nói, bây giờ làm nông nghiệp không phải là những “lão nông tri điền nữa”, mà phải là những “trí nhân tri điền”, tức những người có trí thức và biết làm việc trên ruộng đồng.
Khi họ làm như thế, họ không hề xin nhà nước dự án, cũng không đòi hỏi nhà nước phải hỗ trợ tiền bạc, mà họ chỉ xin có cơ chế, có đất để được thể hiện hết tầm nhìn, chiến lược của mình đối với nông nghiệp.
Vậy nhưng không hiểu sao, đến nay những cơ chế, chính sách đó vẫn còn nằm trên giấy. Phải chăng do vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này quá mờ nhạt?