Ebola khát máu
Xuất hiện trên kênh truyền hình Fox 9 News, Cynthia Sangbai-Kwennah - người phụ nữ gốc Liberia, đang sống tại Twin Cities, bang Minnesota, Mỹ, đã kể về câu chuyện đau thương của gia đình mình.
Sangbai-Kwennah chia sẻ: “Bạn không thể tưởng tượng được đâu. Mỗi tuần, bạn lại nhận được cuộc gọi thông báo rằng: “Mẹ cô mất rồi” hay “Cha cô đã qua đời, cháu gái cô đã chết, cháu trai cô không qua nổi”... Thật kinh khủng. Chúng tôi không thể tin những gì đang xảy ra”.
Tính đến nay, 9 người trong gia đình của Sangbai-Kwennah tại Liberia - một trong những quốc gia được xem là tâm dịch Ebola - đã bỏ mạng vì dịch bệnh. Theo Sangbai-Kwennah, mọi chuyện bắt đầu từ việc người cha 61 tuổi của cô được chẩn đoán mắc bệnh sốt rét và thương hàn vào hồi tháng 6 vừa qua.
Khi các thành viên trong gia đình thay nhau chăm sóc ông, họ cũng bị lây bệnh với các triệu chứng như sốt hay nôn mửa. Tuy nhiên, vài tuần sau khi cha Sangbai-Kwennah qua đời, các bác sĩ mới nhận ra có thể ông đã bị nhiễm virus Ebola và có thể đã lây nhiễm cho những người chung quanh. Hiện Sangbai-Kwennah còn một người chị gái đang sống tại quê nhà.
Mặc dù không bị nhiễm bệnh nhưng theo lời miêu tả, người chị này của cô cũng bị cộng đồng xa lánh. Sangbai-Kwennah còn cho rằng, cách xử lý của chính quyền địa phương đối với những nạn nhân đã chết vì Ebola đều không đạt cả về đạo đức lẫn cách phòng tránh bệnh.
Sangbai-Kwennah cho biết: “Không người thân nào của tôi được chôn cất cẩn thận. Thi thể của họ bị quăng đi như rác rưởi”.
Không chỉ có Sangbai-Kwennah phải nếm chịu cảnh mất đi người thân vì căn bệnh chết người do virus Ebola gây ra, mà rất nhiều gia đình ở Liberia cũng bị “xóa sổ” vì căn bệnh này. Lansana Nyallah- cựu Bộ trưởng của Sierra Leone chia sẻ, ông cũng mất 9 người thân bởi dịch Ebola.
Ông nói: “Gửi những người vẫn tin Ebola không tồn tại, hãy tỉnh lại đi. Anh, chị, em cùng người thân của tôi, tất cả 9 người đã chết vì virus Ebola. Nhà tôi bây giờ trống không vì chẳng còn ai ở đó nữa”.
Thuốc không dành cho người nghèo?
Nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới đã đặt ra câu hỏi, vì sao hàng ngàn người châu Phi lại chết vì không được dùng thuốc chữa Ebola, trong khi hai người Mỹ lại được dùng thuốc trị Ebola? Giáo sư người Bỉ Peter Piot - người phát hiện virus Ebola năm 1976 mới đây trả lời phỏng vấn một tờ báo Mỹ cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần đưa liệu pháp đặc trị Ebola đang trong giai đoạn thực nghiệm vào sử dụng ngay để cứu người tại các vùng dịch ở châu Phi.
Một số dược phẩm trị Ebola đang được nghiên cứu và thực nghiệm trên súc vật, nhưng chưa được sử dụng cho người. Cuối tháng 7.2014, lần đầu tiên dung dịch ZMapp do hãng bào chế Mapp Biopharmaceutical sản xuất, được dùng để điều trị 2 người Mỹ bị nhiễm virus, đã cho kết quả khả quan.
Theo Viện Nghiên cứu y học Mỹ về các bệnh truyền nhiễm (USAMRIID), liệu pháp này đã được sử dụng thành công với các con khỉ thực nghiệm, với hiệu suất 100% nếu được dùng sau khi khỉ bị nhiễm virus 1 giờ. Tỷ lệ khỏi bệnh là 43% đối với khỉ nhiễm virus sau 104 - 120 giờ. Theo USAMRIID, thuốc còn phải trải qua một số thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng đại trà cho người.
Giáo sư Peter Piot nhấn mạnh, thử nghiệm hiệu quả nhất đối với thuốc là đưa vào sử dụng trong khi có dịch. Ông cũng nêu lại kinh nghiệm một khi bệnh dịch qua đi sẽ không còn nỗ lực đầu tư cho thuốc và vaccine. Giáo sư Peter Piot lưu ý rằng để ngăn chặn Ebola, việc các hãng bào chế tư nhân tham gia là cần thiết, nhưng trách nhiệm chính phải thuộc về khu vực công lập, vì dịch này bùng nổ tại các nước nghèo, và thuốc cần được cấp miễn phí.
Mới đây nhất, ngày 10.8, bà Marie-Paule Kieny - Phó Tổng Giám đốc WHO cho biết, hiện vẫn chưa có thuốc trị hoặc vaccine ngừa virus chết người Ebola, nhưng bà Kieny cho biết bà tin sẽ có một loại vaccine đang được gấp rút thử nghiệm và sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2015.