Không biết “chất lạ” là chất gì
Gia đình anh Huỳnh Hữu Hiệp (ngụ ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) nuôi 13 con bò sữa, trong đó có 4 bò cái đang trong thời kỳ cho sữa.
Mỗi tuần, thông qua một trạm trung chuyển, anh Hiệp giao cho nhà máy sữa của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) từ 78 – 80kg sữa tươi nguyên liệu. Mức giá thu mua và tiền bán sữa được Vinamilk chuyển vào tài khoản ngân hàng của anh một tuần sau đó.
Mọi chuyện đều ổn cho đến cách đây hơn một tháng, dù vẫn đều đặn giao sữa cho nhà máy nhưng tới lúc nhận tiền, anh Hiệp ngỡ ngàng. Theo phản ánh của anh Hiệp, nhân viên của Vinamilk thông báo tuần này anh không được trả tiền bán sữa. Nguyên nhân là do trong sữa nguyên liệu có “chất lạ”.
“Gia đình tôi nuôi bò sữa 14 năm nay, chưa bao giờ gặp tình trạng có “chất lạ” trong sữa. Hỏi kỹ thuật viên của nhà máy thì họ cũng không nói rõ “chất lạ” đó là chất gì. Hơn nữa, hàng ngày nhân viên của Vinamilk đều lấy mẫu sữa trước khi nhận hàng, tại sao đến cuối tuần mới có kết quả là sữa không đảm bảo chất lượng, rồi trừ tiền cả tuần của nông dân?” - anh Hiệp bức xúc nói.
Cùng cảnh ngộ với anh Hiệp, chị Đỗ Thị Út (ngụ ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng từng 2 lần bị nhà máy cắt tiền sữa vì “chất lạ”. Một lần số tiền bị cắt hơn 11,3 triệu đồng và một lần gần 8 triệu đồng.
Chị Út cho biết, cách đây gần 2 tháng, chị định rút hết số tiền bán sữa trong tuần để trả tiền cám, nhưng khi ra ngân hàng thì phát hiện không có đồng nào trong tài khoản. Gọi điện hỏi thì bên nhà máy bảo do trong sữa có “chất lạ” nên tuần đó chị không được trả tiền. Không chỉ vậy, 3 ngày đầu của tuần kế tiếp, chị Út cũng bị “cấn tiền sữa” không lý do.
“Không hiểu tại sao bị cắt tiền sữa, tôi gọi điện hỏi thì phía nhà máy bảo sữa có “chất lạ”, họ chưa bắt đền cả thùng sữa lớn bị hư do đổ chung với sữa của tôi là may lắm rồi, thắc mắc gì” - chị Út cho biết thêm.
Không chỉ anh Hiệp, chị Út, rất nhiều hộ nông dân có hợp đồng bán sữa cho Vinamilk tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12… cũng thỉnh thoảng bị nhà máy phê “có chất lạ” và trừ tiền sữa từ 7 – 10 ngày.
Mất trắng 3 tháng tiền công
Theo tính toán của người chăn nuôi, mỗi lần bị nhà máy cắt tiền bán sữa một tuần, liên tiếp 3 tháng sau đó, nông dân coi như làm không công, thậm chí âm nợ do phải trả tiền mua cám, xác mì và các loại thuốc thú y cho bò.
Theo anh Hiệp, chỉ tính riêng tiền thức ăn, thuốc bổ các loại cho một con bò sữa mỗi ngày đã tốn từ 100.000 – 120.000 đồng, chưa tính tiền công gia đình bỏ ra. Gia đình anh nuôi 13 bò cái, nhưng tỷ lệ cái vắt sữa chỉ từ 4 – 7 con. Do đó, ngoài tiền sữa thu được, còn phải “gánh” thêm tiền ăn của những con bò khác trong chuồng.
“Không được nhận tiền sữa một tuần coi như làm không công trong 3 tháng sau đó, thậm chí phải mượn nợ để trả tiền cám cho đại lý” - anh Hiệp nói. “Mà uất ức nhất là người chăn nuôi không hề vi phạm các điều khoản trong hợp đồng với Vinamilk, không để lẫn tạp chất vào sữa nhưng vẫn phải ký giấy cam kết với phía nhà máy là sẽ không tái phạm. Vì nếu không ký, nhà máy bảo sẽ không thu mua nữa, lúc đó sữa biết đổ đi đâu?” - anh Hiệp cho hay.
Còn theo chị Út, nếu việc chăn nuôi suôn sẻ, bò không bệnh tật, không đau ốm thì mỗi tháng gia đình mới lời được chút đỉnh. Trên thực tế, việc nuôi bò sữa rất nhiều rủi ro, bò dễ bị bệnh, dễ mất sữa hoặc cho sữa hạn chế nếu chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý. Trong trường hợp đó, người chăn nuôi phải đối diện với thua lỗ kéo dài.
Còn theo đại diện một trạm trung chuyển sữa tại xã Tân Hiệp, Hóc Môn, để tránh tình trạng bị trừ tiền sữa cả tuần với lý do “chất lạ”, nhiều hộ chăn nuôi yêu cầu được nhà máy tính tiền sữa hàng ngày. Theo đó, ngày nào sữa của bà con không đảm bảo chất lượng thì trừ tiền ngày đó. Tuy nhiên, nhiều năm qua, phía Vinamilk vẫn không đồng ý. Do đó, chỉ cần một ngày trong tuần sữa “có vấn đề” là cả tuần đó nông dân phải gánh chịu hậu quả.