Chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Thanh Thủy (xóm 25, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, Nam Định) khi anh đang tất bật dọn dẹp chuồng trại và cho 1.100 đôi chim câu ăn.
Trước đây gia đình anh Thủy làm nông, cuộc sống hết sức khó khăn. Quyết tâm làm giàu, vợ chồng anh gửi 2 đứa con nhỏ cho bố mẹ chăm sóc, rồi gom góp toàn bộ số tiền tích cóp được bấy lâu lặn lội vào tận Cà Mau làm đầm tôm với hy vọng đổi đời. Nhưng trời không chiều lòng người, liên tiếp các vụ tôm đều thất bát.
Khi đã kiệt quệ cả về sức lực và tiền bạc, vợ chồng anh đành về quê mang theo khoản nợ không biết khi nào mới trả hết. “Về quê nhìn bố mẹ già cặm cụi vất vả, nhìn hai con thơ dại mà tôi ứa nước mắt. Thương bố mẹ, thương vợ con tôi quyết tâm phải làm lại từ hai bàn tay trắng. Nhưng vượt khó, làm giàu bằng cách nào - điều đó khiến tôi ngày đêm trăn trở. Tình cờ, đọc báo tôi biết đến mô hình nuôi chim câu Pháp cho hiệu quả cao. Tôi liền khăn gói vào Đồng Nai học hỏi kinh nghiệm” - anh Thủy tâm sự.
Năm 2009, sau khi học tập kỹ thuật nuôi ở một số tỉnh miền Nam và tìm tòi từ sách báo, anh Thủy đầu tư 45 triệu đồng mua 200 cặp chim bồ câu Pháp giống, giá 200.000 đồng/cặp và xây dựng chuồng. Đến nay trang trại của anh có 1.100 cặp chim giống sinh sản và hơn 900 đôi bồ câu mới nở.
Mỗi tháng anh xuất bán hơn 700 cặp chim các loại với giá 150.000 đồng/cặp chim bố mẹ và 85.000 đồng/cặp chim ra ràng, trừ chi phí gia đình anh bỏ túi 30 triệu đồng. Mỗi năm gia đình anh có khoản thu hơn 300 triệu đồng từ nuôi chim.
Điều làm anh Thủy thích nhất từ công việc nuôi chim câu này là khâu chăm sóc đơn giản, lãi nhiều và không mất quá nhiều thời gian. Do đó, anh không phải bôn ba, vất vả và có nhiều thời gian hơn trong việc chăm sóc gia đình, bản thân.
Anh Thủy cho biết thêm: Anh đang tìm hướng xuất khẩu chim bồ câu sang các nước châu Á để mở rộng thị trường tiêu thụ.