Trong cơn mưa tầm tã một chiều đầu tháng 8, phóng viên Dòng Đời tìm về bến đò Mẫu (xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội) để tìm gặp người đã phát hiện thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường. Từ đây, chúng tôi lại được nghe kể về nhiều câu chuyện kỳ bí ở “bến không đầu”, cái tên mới mà nhiều dân quanh vùng đặt cho bến đò Mẫu. nơi mà người dân dù đã quen nhìn thấy xác chết trôi sông nhưng vẫn bị ám ảnh với những xác chết không đầu.
Thuộc địa phận thủ đô, nhưng xã Văn Đức đích thị là một vùng quê nghèo khó. Con đường dẫn đến bến đò Mẫu lầy lội vì mưa, khiến chúng tôi có lúc phải xuống đẩy xe máy khi lốp xe lún sâu trong bùn. “Cầu” cũng là từ không tồn tại ở khu vực này, khi việc sang sông hoàn toàn phụ thuộc vào các chuyến đò. Đò ở đây hoạt động suốt ngày, 2 người chúng tôi và 1 chiếc xe máy đi một lượt đò mất 6.000 đồng. Vào đến địa phận xã Văn Đức, thấy hầu hết các nếp nhà đều thuộc diện xây dựng tạm bợ, chẳng có vôi ve và đều lợp bằng mái tôn.
Không ai dám qua đò sau 18 giờ
Hỏi chuyện một số người dân địa phương, chúng tôi được biết, mấy ngày nay, bến đò Mẫu không hiu quạnh như mọi khi do đông đảo phóng viên đến thu thập thông tin viết bài, đồng thời người dân cũng sợ, không dám đi đò qua sông vào giờ muộn. Mọi ngày, đò có thể chạy những chuyến vào lúc 20-21 giờ, nhưng từ khi phát hiện thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền đến nay, đến 18 giờ là gần như không còn ai dám qua đò nữa vì sợ bị “bắt”.
Thực tế, vụ “xác không đầu” vừa được cơ quan chức năng cho biết là thi thể chị Huyền không phải chuyện hiếm tại khu vực này. Ngày 26.10.2013, một xác chết đã được phát hiện trong tình trạng không đầu. Ngay ngày hôm sau (27.10.2013), thêm một xác không đầu nữa xuất hiện. Rẽ vào quán nước của bà Trần Thị Hoạt, người đã có tới 34 năm bán hàng nước ở bến đò Mẫu, bà Hoạt khẳng định:
“Vài trường hợp gần đây thì bõ bèn gì. Mấy chục năm nay, tôi cũng chẳng nhớ đã bao nhiêu lần nhìn thấy các xác chết không đầu. Còn xác có đầu thì vô vàn, có ngày tôi thấy vài lần”.
Quen nhìn thấy xác chết, nhưng bà Hoạt cũng cho biết: “Tôi đã quen nhìn thấy xác trôi sông, nhưng cứ lần nào thấy xác không đầu là tôi lại thấy sợ, giữa mùa hè mà cứ như bị “thoát dương”, mồ hôi lạnh tứa toát. Có lần, cách đây cỡ chục năm, tôi bị ác mộng mấy ngày liền về một cái xác không đầu đi dọc sông để tìm đầu. Sau tôi phải làm một cái lễ nhỏ, thắp hương cầu xin xác không đầu “tha” thì ác mộng mới biến mất, nhưng vẫn bị ám ảnh nặng”.
Không chỉ bà Hoạt mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngoan (tên thường gọi là Hùng), người đầu tiên phát hiện thi thể chị Huyền trong lờ tôm nhà ông ở thôn Trung Quang cũng nhiều lần trải qua cảm giác tương tự. Ông Ngoan cho biết: “Tôi quen nhìn xác chết trôi sông, nhưng hôm đó (18.7), vừa nhìn thấy thi thể không đầu, tôi đã thấy bủn rủn chân tay, giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ”.
Còn bà Nguyễn Thị Tình (vợ ông Ngoan) thì bảo: “Tôi từng nhiều lần vớt xác trên sông Hồng, có lần vớt được đứa trẻ còn nguyên dây rốn đem chôn cất làm phúc. Nhưng không hiểu sao, cứ lần nào nhìn thấy xác không đầu là tôi lại cảm thấy bất an, mất ăn mất ngủ mấy ngày”.
Bà Tình còn kể thêm, có người dân trong thôn trong những đêm mưa gió, trong giấc ngủ chập chờn còn loáng thoáng nghe thấy tiếng văng vẳng trên sông: “Đầu tôi đâu, đầu tôi đâu”. “Tôi cũng không tin vào điều này lắm, nhưng mỗi khi tìm được thi thể, cả có đầu hay không, tôi đều ra bãi sông thắp hương, hóa một chút vàng mã cho hương hồn người chết được tìm thấy thi thể”, bà Tình bộc bạch.
Trong 34 năm bán nước ở đây, bà Hoạt chẳng thể nhớ đã thấy bao nhiêu xác chết trôi sông.
Ở bến đò Mẫu, hơn nửa tháng qua, người dân luôn rì rầm bàn tán về câu chuyện xoay quanh các xác chết không đầu. Ông Nguyễn Văn Hường (em ruột ông Ngoan) nhấn mạnh: “Không hiểu tại sao, cứ thi thoảng lại có xác không đầu được tìm thấy ở đây. Nhiều năm rồi, năm nào cũng có xác không đầu được vớt. Cứ ai yếu bóng vía nhìn thấy là bị thấp thỏm, âu lo không rõ lý do, nhẹ mất vài ngày, nặng thì cả tháng, phải làm lễ cúng bái mới không gặp ác mộng”.
Đấy là nói chuyện xác không đầu chứ việc phát hiện thi thể có đầu nhưng đang phân hủy tại bến đò Mẫu thì ông Hường bảo ông nhìn thấy thường xuyên, có tuần còn thấy 2-3 thi thể trôi nổi lập lờ trên mặt nước. “Nhiều ngư dân ở đây có kinh nghiệm vớt những thi thể trôi trên sông. Đây là việc năm nào cũng có nên họ không cảm thấy sợ. Nhưng cũng có người nói với tôi rằng, cứ nhìn thấy xác không đầu là họ thấy tâm trạng có phần bất an. Thế là họ phải cầu khấn thi thể không đầu được người nhà tìm thấy để mang về chôn cất.
Có nhiều trường hợp như của chị Huyền vài tháng trước, chỉ có mộ gió chứ không có hài cốt, còn các thi thể được tìm thấy ở đây, nhất là những xác không đầu nhiều khi lại không xác định được danh tính. Chúng tôi tâm niệm đây là việc làm phúc nên cứ thấy thi thể trôi sông là vớt lên rồi báo cáo chính quyền địa phương hoặc mang chôn cất. Nói thật chứ thấy xác, mà lại là xác không đầu thì tôi thấy tội cho họ lắm. Cũng nhiều người, kể cả vợ chồng anh trai tôi bị ám ảnh về xác không đầu, phải thành tâm cầu khấn hoặc làm lễ thì mới đỡ sợ”, ông Hường chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tí, thủ từ đền thờ của thôn Trung Quang thì cho biết: “Chúng tôi thờ một vị thần, truyền từ đời này sang đời khác, nhưng… chẳng ai biết lai lịch hay sự tích gì liên quan đến thần. Chỉ biết, vào ngày rằm, dân ở thôn đều phải đến lễ bái để không gặp phải tai nạn sông nước. Khi có xác không đầu nào được phát hiện, tôi cũng thắp hương để cầu thần giúp hương hồn người chết được siêu thoát”.
Sợ chúng tôi không tin, ông Tí đưa chúng tôi vào đền để thắp hương. Gọi là “đền”, nhưng thực ra đền thờ này chỉ có một bàn thờ nhỏ, lại đặt trên một con thuyền tròng trành trên sông Hồng, ngay sát “nhà” của ông Tí (cũng là một con thuyền). Kính cẩn thắp hương, vái ba vái xong, ông Tí mới cho chúng tôi xem một số bức họa có văn tự cổ, trong đó có cả bức họa vị thần của thôn rồi bảo:
“Tôi năm nay hơn 70 tuổi, làm thủ từ cũng nhiều năm rồi. Cuộc sống khó khăn, chúng tôi cũng không ai có trình độ nên chẳng biết ý nghĩa của các văn tự này. Tôi chỉ biết trông giữ cẩn thận để truyền cho các đời sau. Còn mỗi khi có xác không đầu được tìm thấy, tôi cũng đều thắp hương để thần được biết và phù hộ để người nhà nạn nhân tìm đến hoặc hương hồn họ được siêu thoát”.
Người dân địa phương bị lo âu, phấp phỏng, thậm chí còn... tưởng tượng ra nhiều nỗi sợ về “bến không đầu”, nhưng thực tế, theo nhận định của cơ quan chức năng, hiện tượng ma quỷ hay những câu chuyện được thêu dệt ở bến đò Mẫu là không có thật.
Trao đổi về thi thể chị Huyền, ông Trần Văn Tuyến, Phó trưởng công an xã Văn Đức cho biết: “Do bến đò gần cầu Thanh Trì, có nhiều trường hợp nhảy cầu tự tử, thi thể khi phân hủy, theo hướng gió trôi dạt về bến đò Mẫu lại là nơi đò thường xuyên qua lại nên hay được phát hiện và trục vớt. Vì vậy, người dân không nên suy diễn theo chiều hướng mê tín, dị đoan về “bến không đầu”.