Dân Việt

Giải thưởng “bủa vây” nhà nông: 30 triệu để làm “Nữ doanh nhân thành đạt”

Thuận Hải 14/08/2014 07:24 GMT+7
Không chỉ mời chào, dụ dỗ các doanh nghiệp đã có tên tuổi tham gia giải thưởng, nhiều đơn vị tổ chức giải thưởng còn gạ gẫm, dụ dỗ cả những đại lý vật tư nông nghiệp, thậm chí là nông dân đóng tiền mua giải thưởng.

30 triệu để làm “Nữ doanh nhân thành đạt”

Một sáng đầu tháng 8, chị Nguyễn Thị Hường (ngụ ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) – đại lý thức ăn chăn nuôi gọi điện cho PV Báo NTNN thông tin: “Em ơi sao có giải thưởng gì mà Ban tổ chức kêu phải đóng 30 triệu đồng để được nhận giải vậy? Họ còn nói là có Chỉ thị từ Văn phòng Chính phủ gì đó, yêu cầu chị phải tham gia”.

Chị Hường kể, mới đây, có một phụ nữ xưng là nhân viên Văn phòng Chính phủ, làm việc tại Hà Nội, dùng số điện thoại 09xx743311 gọi đến mời tham gia giải thưởng “Doanh nhân với chữ Tâm - chữ Tiếng” của đơn vị này. Chương trình dự kiến sẽ tổ chức đêm Gala, trao giải vào ngày 26.8 tới tại Hà Nội.

Biết chị Hường là một nông dân sản xuất giỏi, là trưởng trạm trung chuyển thu mua sữa tươi nguyên liệu, lại có cơ sở phân phối thức ăn chăn nuôi, người này tâng bốc chị Hường lên tận mây xanh. “Ban đầu họ nói rằng, giải thưởng là để tôn vinh những nữ doanh nhân thành đạt trên cả nước, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giao lưu với các doanh nhân nổi tiếng.

Nghe giới thiệu to tát vậy, tui bảo mình chỉ là nông dân, đâu có phải làm ăn lớn gì đâu mà tôn vinh? Chị ta bảo, phụ nữ như chị cũng gọi là thành đạt rồi. Có giải thưởng sẽ dễ dàng hơn khi giao dịch với khách hàng”- chị Hường kể.

Sau khi nói một hồi về cơ cấu giải thưởng, giới thiệu các thành phần tham dự gồm những cán bộ đầu ngành ngành nông nghiệp, người phụ nữ này chuyển qua đề cập tới vấn đề tài trợ cho giải.

Họ bảo quy mô giải tổ chức cấp quốc gia, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV nên kinh phí tổ chức giải khá lớn, kêu gọi mỗi doanh nghiệp nhận giải hỗ trợ 20 – 30 triệu đồng. Bắt đầu nghi ngờ vì thấy có yếu tố tiền bạc, “tài trợ kinh phí” đi kèm với giải thưởng, chị Hường từ chối và nói rằng sẽ liên lạc lại sau.

Tuy nhiên, ngay sau đó, một người đàn ông khác, dùng số di động 09xx875353 gọi lại, yêu cầu chị Hường trả lời ngay, vì thời gian sắp tới gần.

Cảnh giác cao độ

Bị thúc ép nhiều lần trong ngày, chị Hường hỏi thăm hình thức tổ chức giải, cách đóng tiền thì phía “Ban tổ chức” cho rằng, ngay ngày hôm sau sẽ có nhân viên đến nhà thu tiền ngay. “Họ còn bảo thu tiền có biên lai đàng hoàng, đừng lo”- chị Hường kể lại.

Để tìm hiểu kỹ hơn, trong vai đại diện doanh nghiệp vừa nhận lời mời tham dự giải thưởng, PV đã liên lạc với số điện thoại 09xx743311, gặp người phụ nữ tên Hương, vẫn giới thiệu mình là nhân viên Văn phòng Chính phủ.

Chị này cho biết, Ban tổ chức đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ, thực hiện các bước tiếp theo để chương trình tôn vinh “Doanh nghiệp với chữ Tâm – chữ Tiếng” được diễn ra tốt đẹp.

Cũng theo thông tin từ chị này, giải thưởng được trao cho doanh nghiệp xuất sắc trên toàn quốc, Ban tổ chức đóng tại địa chỉ số 6, phố Phan Văn Trị, quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên kiểm tra của PV cho thấy tại địa chỉ này là một hàng sửa xe. Cạnh đó, ngõ số 6 là con ngõ nhỏ, đa phần là nhà dân (?)

Tiếp đó, liên lạc với thuê bao 09xx875353, PV gặp một người đàn ông và ngay lập tức bị ông này, lớn tiếng quát nạt, yêu cầu gặp lãnh đạo doanh nghiệp để đối thoại trực tiếp và không làm việc với… nhân viên. Sau đó, đối tượng này tỏ rõ sự cảnh giác cao độ và khi thấy có dấu hiệu bị “lộ tẩy”, người này liền từ chối trao giải cho doanh nghiệp vì lý do… đã đủ chỉ tiêu rồi (?).

Cùng cảnh ngộ với chị Hường, một số đại lý vật tư nông nghiệp khác tại TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cũng thường xuyên được mời chào tham gia các giải thưởng “không rõ nguồn gốc”. Không chỉ vậy, đến cả danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cũng được các đối tượng lạm dụng, ra giá từ 5 – 10 triệu đồng.

  Bà Trần Thị Hậu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, cách đây 2 tháng, xuất hiện một số đối tượng giả danh cán bộ Hội Nông dân, thậm chí, là cả Bộ NNPTNT đến gặp nông dân để viết bài. Sau khi thu thập thông tin, đối tượng mời gọi nông dân đóng góp cho giải thưởng nào đó số tiền 5 - 7 triệu đồng. Hội Nông dân tỉnh đã phải yêu cầu các cán bộ, cá nhân đến tiếp xúc với nông dân trong tỉnh phải có giấy giới thiệu đàng hoàng mới được làm việc.

  Thực tế, theo đánh giá, việc tổ chức các giải thưởng hiện nay rất nhiều, mỗi bộ ngành, địa phương đếu có 1-2 giải thưởng, với các quy định riêng rẽ. Chẳng hạn,  Bộ KHCN có giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; giải Tạ Quang Bửu, giải Chất lượng quốc gia... Bộ NNPTNT có giải Bông lúa Vàng; Bộ Công Thương có giải thưởng xuất khẩu... Ở địa phương cũng có rất nhiều giải thưởng, như tỉnh Bình Định có giải Nguyễn Hữu Thọ, Lâm Đồng có giải KH-CN tỉnh Lâm Đồng... Đó là chưa kể giải thưởng của nhiều hiệp hội, ngành hàng khác. Nhiều giải thưởng như thế, nên doanh nghiệp và nông dân có rơi vào ma trận đó cũng là điều dễ hiểu.