Dân Việt

"Nói ăn cây trồng biến đổi gene sẽ biến thành cái này, cái kia là không biết gì..."

Thanh Xuân (ghi) 03/09/2014 07:46 GMT+7
“Ai nói là ăn cây trồng biến đổi gene mà làm mình biến đổi thành cái này hay cái kia là những người không biết gì! Thực tế chúng ta đã ăn các sản phẩm ngô, đậu tương biến đổi gene nhập khẩu về nhiều năm rồi, và thế giới cũng sử dụng nhưng đến nay, chưa có ai làm sao cả”. TS. Phạm Văn Toản chia sẻ.

“Giữa cây trồng biến đổi gene (BĐG) và cây trồng truyền thống tại Việt nam có gì khác nhau?”. Đó là câu hỏi mà nhiều độc giả quan tâm đặt ra. PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Văn Toản  - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

- Thưa tiến sĩ, ông có thể cho biết cây trồng BĐG có sự khác biệt gì so với cây trồng truyền thống?

Về kiểu hình, cây trồng BĐG và cây trồng truyền thống gần như không có sự khác nhau, ngoại trừ người ta đưa vào đó cái gì đó để sai khác kiểu hình thì nó mới sai khác. Còn với ngô và đậu tương là cây trồng đã được công nhận, chỉ đưa thêm vào gene mới và chỉ thêm một tính chất này hoặc tính chất kia (ví dụ gen kháng sâu, kháng cỏ…).

Khi có gene kháng sâu, bản thân con sâu đục thân hoặc đục bắp ăn vào gen có khả năng tạo ra một protein, và cái đó như một vi khuẩn, con sâu ăn thì bị chết.

- Người ta có thể sợ sâu ăn ngô bị chết thì có thể người ăn ngô cũng chết hoặc sẽ bị biến đổi gene. Theo ông liệu có tình huống đó xảy ra?

Đúng là có rất nhiều người lo sợ chuyện này. Nhưng mọi người không hiểu là bản thân “gene kháng sâu” chính là một loại vi khuẩn đã được sử dụng trong loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ lâu rồi. Các nhà sản xuất thuốc BVTV luôn luôn khuyến cáo loại thuốc này là thuốc sinh học và rất an toàn.

Bây giờ thay vì phải phun thuốc sâu, người ta đưa luôn gene có loại virus này vào giống ngô mà thôi. Còn lý do con sâu chết là trong đường tiêu hoá của con sâu có môi trường kiềm, còn trong dạ dày của người là axít. Con vi khuẩn đó chỉ biến thành chất độc trong môi trường kiềm của con sâu. Do đó, chỉ có sâu ăn vào mới chết, các thứ khác ăn thì lại không ảnh hưởng gì.

Hiện nay, người và động vật đều phải trải qua quá trình đồng hoá và dị hoá, ăn cơm, các chất bột vào dạ dày sẽ bị phân hoá để chuyển hoá thành đường, thành các thứ ở cơ thế như máu, cơ, mỡ, năng lượng… Do vậy, khi đã chuyển hoá tới mức đó thì làm sao biến đổi được gene trong cơ thể người được.

Thực chất, việc đưa một gen vào là tạo ra một cái mới, cái mới đó chỉ có một chức năng là kháng sâu, kháng mặn, kháng hạn… nhưng khi chúng ta ăn vào thì đã phân huỷ hết.

Quá trình đồng hoá và dị hoá chúng ta đã được học từ thời phổ thông, vì thế ai nói là ăn cây trồng biến đổi gene mà làm mình biến đổi thành cái này hay cái kia là những người không biết gì. Thực tế chúng ta đã ăn các sản phẩm ngô, đậu tương biến đổi gen nhập khẩu về nhiều năm rồi, và thế giới cũng sử dụng nhưng đến nay, chưa có ai làm sao cả.

- Thưa ông, công nghệ chuyển gene thực tế đã được ứng dụng ở nước ta như thế nào?

Công nghệ chuyển gene được ứng dụng rất phổ biến trong y học, người ta đưa các gen và để tạo ra các loại cây thuốc chữa trị những bệnh hiểm nghèo. Trong nông nghiệp, người ta cũng có thể tạo ra các cây ngô, khoai, sắn... Hay sử dụng gene để tạo ra được cây trồng có khả năng chống chịu được điều kiện bất thuận của thời tiết.

Ví như gene chịu khô hạn, gene thức ứng với đất phèn chua, đất nhiễm mặn, hay trên đất đang nghèo dinh dưỡng, bón phân vào hay bay hơi đi, người ta đưa gene phát triển rễ để hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng…

Hiện nay, các thế hệ cây mới như cây chịu hạn, chịu phèn chúng ta đều đã làm được rồi, cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn cũng làm được rồi… qua đó giải được bài toán canh tác cho các vùng khó khăn.

Đặc biệt, mới đây người ta còn tạo ra giống lúa vàng, do Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tại Philippines đã thành công và đang khuyến nghị người dân (nhất là những khu vực vùng cao ở các nước do kinh tế khó khăn dẫn tới ăn uống thiếu chất) cần áp dụng loại lúa này để bổ sung vitamin ngay từ gạo.

Về bản chất, công nghệ sinh học là có thể tạo ra được những thứ mới, thuận tiện cho người sử dụng.

Viện Nghiên cứu ngô vừa công bố nghiên cứu thành công giống ngô chịu hạn, loại ngô này có gì khác với ngô biến đổi gene các công ty đa quốc gia đang làm không, thưa ông?

Ngô ở Viện nghiên cứu ngô vừa công bố nghiên cứu thành công đó là ngô chịu hạn, họ đưa vào gene chịu hạn để có thể trồng được ở các vùng cao hay thiếu nước tưới như Tây Nguyên. Về cơ bản, nó khác với ngô biến đổi gene của các công ty đa quốc gia đang tiến hành khảo nghiệm là một loại gene chịu hạn và một loại gene kháng sâu bệnh.

Còn xét về bản chất, đó vẫn là công nghệ chuyển gene. Thực chất, tới nay các quốc gia đều ứng dụng công nghệ chuyển gene. Nhưng muốn an toàn hay không cần phải quản lý được việc lấy gene đó ở đâu, phải đảm bảo an toàn; phải dùng phương pháp nào đưa gen đó vào trong cây trồng đảm bảo ổn định; sản phẩm khi ra phải đánh giá thành phần dinh dưỡng so với cái cũ có khác nhau không, nếu sử dụng vào cơ thể sẽ biến hoá như thế nào…

Hiện nay, với các cây trồng biến đổi gene thế giới đã thương mại hoá và họ đã trải qua các quy trình cực kỳ nghiêm ngặt, đã được thực hiện các bước nghiên cứu như tôi vừa nói trên.