Dân Việt

Lý giải giai thoại phát tích của triều Trần và những dấu tích còn lại

22/08/2014 16:51 GMT+7
Giai thoại phát tích của nhà Trần vẫn là một câu chuyện chưa đến hồi ngã ngũ. Sử sách ghi chép rất rõ ràng các sự kiện, nhưng trong dân gian lại tồn tại quá nhiều thuyết khác nhau. Thậm chí, trong một tài liệu chính thống cũng ghi chép về những câu chuyện đầy huyền hoặc này. Vậy đằng sau vẻ bí ẩn của ngôi huyệt quý kia là gì? Chúng ta có thể thấy gì nếu soi chiếu dưới cái nhìn khoa học về hiện tượng phi khoa học này?
Sách sử cũng đề cập tới ngôi huyệt quý

Từ xưa, sách sử luôn được coi là một tài liệu chính thống khi đem đối chiếu, so sánh hay kiểm chứng một giai thoại, truyền thuyết trong dân gian. Vì vậy, khi tìm chứng cứ cho câu chuyện đầy huyền hoặc về ngôi huyệt phát tích nhà Trần, chúng tôi đã phát hiện ra một chứng cứ quan trọng.

Sách An Nam chí lược của Lê Tắc (đây được coi là cuốn sử cổ nhất chúng ta còn giữ được tới ngày nay, do con cháu họ Trần sống lưu vong ở Trung Quốc đầu thế kỳ XIV viết) chép như sau: “Phủ Long Hưng tên cũ là hương Đa Cương, tổ tiên nhà Trần lúc còn hàn vi ban đêm đi qua một cái cầu khe. Khi đi qua rồi ngoảnh lại không thấy cầu đâu nữa, lấy làm sự lạ bèn di chuyển sang đất Thái Đường sinh sống, được gò hỏa tinh đắc địa mà sau này được nước. Khi lấy được nước rồi thì đổi tên Đa Cương thành Long Hưng phủ”.

Trong khi đó, người dân sống tại Thái Đường (huyện Hưng Hà, Thái Bình) ngày nay vẫn truyền tai nhau câu chuyện về gò Hỏa Tinh kỳ lạ kia. Ông Cao Thanh Bốn - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Hưng Hà, Phó trưởng ban khu di tích đền Trần Thái Bình cho biết: “Vùng đất này khi xưa là vùng bãi bồi của ngã ba sông Hồng và sông Luộc. Người Việt cổ đã dựa vào những vùng đất nổi (hay còn gọi là gò) để sinh sống bằng nghề đánh cá và trồng lúa. Các cụ già trong làng ngày xưa vẫn bảo rằng, đây là đất mả sao, thiêng lắm.

Đất đó chính là các gò đống nổi lên, ở trên có các chòm cỏ xanh hình tròn, trông từ xa chẳng khác gì những ngôi sao trên trời. Vì thế mà nơi đây còn có tên gọi là hương Tinh Cương (nghĩa là những ngôi sao nổi lên). Điều đặc biệt là vùng đất này có hình thế rất lạ, được gọi là thế đất “tiền tam thai, hậu thất tinh”, ý nói đây là vùng đất phát đế vương”.

Giải thích về khái niệm “tiền tam thai, hậu thất tinh”, ông Bốn cho biết: “Câu trên có nghĩa là trước mặt ngôi huyệt có 3 cái gò lớn, đằng sau có 7 cái gò nhỏ tạo nên thế hậu sinh phát đế. Theo các cụ truyền lại thì gò Hỏa Tinh nằm ở một vị trí bí mật, không ai biết. Chúng tôi chỉ biết rằng, ngôi huyệt đặt tại hướng Càn (hướng Bắc) nhìn ra ngã ba sông Hồng, tục gọi là cửa Vàng. Phía sau gối lên cổ bi phục tượng, tả hữu la liệt cờ trống. Huyệt lại ở vị trí “thổ phúc tàng kim” (trong đất giấu vàng) nhưng muốn phát được thì phải nhờ phụ nữ.

Hiện nay, người dân vẫn lưu truyền câu ca của các thầy địa lý ngày xưa là: “Phấn đại dương giao chiếu/ Liên hoa, dĩ sắc đắc thiên hạ” để ý nói sau này nhà Trần sẽ nhờ phụ nữ có sắc đẹp mà lấy được nước. Quả nhiên sau này, Thái tổ Trần Cảnh nhờ được vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi mà lập nên nhà Trần”.

  img
Ông Cao Thanh Bốn: “Thái Đường từng là tông miếu của nhà Trần”

Cũng theo ông Bốn, hướng đặt ngôi mộ phát kết cũng được nhà Trần chọn làm hướng chôn cất cho vua sau khi băng hà. Hiện nay, câu “tiền tam thai, hậu thất tinh” dùng để chỉ 10 ngôi mộ hoàng tộc nhà Trần. Cụ thể, 3 mộ lớn nhất được gọi là Phần Bụt, Phần Trung và Phần Đa (tương truyền là phần mộ của vua Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông). Bảy ngôi mộ nhỏ hơn ở phía sau làng (thất tinh) là nơi an nghỉ của các hoàng tử và công chúa nhà Trần. Chỉ có điều, hiện nay 7 ngôi mộ nhỏ này đã bị san phẳng và không còn lưu giữ được dấu vết gì nữa.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, nhà Trần coi Thái Đường là tông miếu, là nơi xây dựng lăng miếu cho những vị vua khi qua đời. Tương truyền rằng, sau khi đánh đuổi giặc Mông – Nguyên xâm lược lần thứ ba, thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã đưa những tên tướng giặc bị bắt như: Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoạn, Phàn Tiếp... đến đây làm lễ mừng chiến thắng. Cũng tại nơi này, vua Trần Nhân Tông đã đọc hai câu thơ nổi tiếng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.

Phong thủy chỉ là một yếu tố tạo nên thành công

Việc xuất hiện hàng loạt những thuyết khác nhau về ngôi huyệt phát tích nhà Trần được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là điều hết sức bình thường. GS. Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết: “Vấn đề dị bản trong văn hóa truyền miệng là điều hết sức bình thường và tất yếu phải có. Thậm chí, cả khi những câu chuyện đó được ghi vào sách thì tình trạng này vẫn diễn ra nếu đối tượng lưu truyền là những người lao động. Chính vì thế, hạt nhân thì vẫn là ngôi huyệt phát tích nhưng nó biến tướng tùy theo đối tượng tiếp nhận.

Đối với những người am hiểu phong thủy thì khi tiếp nhận câu chuyện này, họ sẽ thêm thắt, chú thích để mọi chuyện được rõ ràng. Đối với những người dân bình thường thì họ chỉ tiếp nhận thuần túy, sau đó dân gian hóa những địa danh, cách gọi địa điểm cho phù hợp thực tế. Hai xu hướng phong thủy hóa theo tri thức hàn lâm và phong thủy hóa theo tri thức dân gian trở thành hai hướng chính trong sáng tác và tiếp nhận những giai thoại dân gian. Trong trường hợp mộ tổ họ Trần cũng như vậy mà thôi”.

Trong khi đó, PGS. TS Hà Minh Hồng - Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: “Hầu như triều đại nào khi hình thành cũng có cho riêng mình một truyền thuyết dựng nước. Từ triều Lý cho tới triều Nguyễn cũng đều như vậy. Có một thực tế rằng, ngoại trừ phần chính sử thì dã sử cũng chính là bộ phận quan trọng được dân chúng thích thú truyền tụng.

Chúng ta không ngoại trừ khả năng là lực lượng cầm quyền cố tình tạo ra một truyền thuyết như vậy để chính danh quyền lực họ nắm giữ. Họ cố chứng minh với quần chúng nhân dân rằng, việc họ được nước là do thần linh, là do mệnh trời quy định, cộng thêm lòng dân hưởng ứng thì tất nhiên sức mạnh của vương triều đó sẽ càng được ủng hộ. Vì thế mà, triều đại nào cũng có câu chuyện mang đậm tính liêu trai như thế này. Tất nhiên, ta nhìn nhận vẫn đề ở đây dưới góc nhìn khoa học lịch sử chứ không phải các ngành khoa học khác”.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà thì lại giải thích: “Dưới góc nhìn của phong thủy, việc thịnh suy của một dòng họ, một vương triều phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó phong thủy chỉ là một phần mà thôi. Trong khoa học phong thủy có câu rằng “tiên tích đức, hậu tầm long” để thấy rằng, một vương triều mới hình thành phải là sự tích đức rất lớn của tổ tông. Chúng tôi tin rằng, một ngôi huyệt tốt không phải quyết định dòng họ này được nước, dòng họ kia mất nước nhưng rõ ràng nó có ảnh hưởng nhất định.

>> Giai thoại phong thuỷ đặt mộ phát tích và chuyện đứt long mạch của đế vương

>> Con sông bí ẩn và chuyện phá long mạch huyệt mộ đế vương?

Tất nhiên, trong tâm thức dân gian thì họ đẩy vấn đề lên quá mức, biến phong thủy trở thành một ngành độc tôn quyết định sự thịnh suy của một vương triều. Phong thủy chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố mà thôi. Còn những yếu tố ma mị có trong đó, theo tôi chỉ là phần thêm thắt vào cho câu chuyện mang màu sắc tâm linh. Đó là chuyện hiển nhiên và cũng không có gì quá quan trọng. Nhiều tác phẩm văn học cũng chuyên sáng tác về chuyện ma quái đấy thôi và vẫn có sức hút. Từ đó có thể thấy, yếu tố ma quái có tác dụng làm câu chuyện trở nên hấp dẫn”.   (Còn nữa)