Các doanh nghiệp đang lãi lớn
Thông tin từ các DN xăng dầu đầu mối cho biết, giá xăng hôm qua đã được điều chỉnh giảm 592 đồng/lít, dầu diesel 0,05S giảm khoảng 75 đồng/lít; dầu hỏa khoảng 61 đồng/lít; dầu madút 180CST 3,5S khoảng 51 đồng/kg (tất cả đều tham chiếu theo giá hiện hành của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam). Mức giảm này, theo các DN là “phù hợp” với diễn biến xăng dầu hiện nay.
Tuy nhiên, theo công bố của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, thì các DN xăng dầu đang lãi rất lớn. Cụ thể: Theo số liệu trên trang web của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá cơ sở theo Nghị định 84 của mặt hàng xăng ngày 14.8 chỉ là 24.473 đồng/lít, thấp hơn giá bán lẻ hiện hành 337 đồng/lít. Tuy nhiên, trong giá cơ sở theo Nghị định 84 đã bao gồm lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Bên cạnh đó, hiện các DN kinh doanh xăng dầu còn đang được sử dụng Quỹ Bình ổn giá là 300 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Có nghĩa, hiện các DN thực lãi tới 937 đồng/lít xăng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng: Giảm hơn 500 đồng/lít xăng như điều hành của các bộ vẫn là quá ít, có thể giảm hơn nữa.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận: Giá xăng, dầu thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày (từ ngày 19.7 đến 17.8.2014) tiếp tục giảm so với bình quân 30 ngày làm căn cứ điều hành giá xăng dầu ngày 7.8.2014. Cụ thể: Xăng RON92: 112,021 USD/thùng, giảm 4,1%; dầu diesel 0,05S: 117,823 USD/thùng, giảm 0,41%; dầu hỏa: 117,844 USD/thùng, giảm 0,31%; dầu madut 180 CST 3,5S là 596,958 USD/tấn, giảm 0,32%.
Căn cứ nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo quy định tại Nghị định số 84 thì chênh lệch giữa giá bán hiện hành (chưa tính mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với xăng) và giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều cho kết quả có lãi từ 51-592 đồng/lít, kg.
Để thực hiện nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã yêu cầu các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng (từ 300 đồng/lít xuống còn 0 đồng/lít); đồng thời chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá theo quy định để giảm giá bán các mặt hàng xăng, dầu trong nước phù hợp. Giá bán sau khi điều chỉnh giảm không cao hơn giá cơ sở theo quy định (trong đó, giá cơ sở xăng RON92: 24.218 đồng/lít; dầu diesel 0,05S: 22.095 đồng/lít; dầu hỏa: 22.259 đồng/lít; dầu madút 180CST 3,5S: 18.389 đồng/kg).
Điều hành vẫn chậm
Thực tế, việc điều hành giảm giá xăng dầu của các bộ ngành, theo các chuyên gia kinh tế vẫn chậm so với yêu cầu thực tế. Thực tế, các DN xăng dầu đã lãi khá lâu với các mặt hàng xăng dầu bán ra (DN đã lãi ngay từ sau thời điểm điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 7.8) song đến chiều qua mới có quyết định giảm giá tiếp từ các bộ ngành.
Trong các cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, khi được hỏi về giảm giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đều lý giải, hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn tuân theo Nghị định 84. Theo đó, giá cơ sở để tính toán cho việc tăng-giảm giá xăng dầu vẫn được tính theo chu kỳ 30 ngày. Với giá xăng dầu thế giới giảm như hiện nay thì việc giảm giá xăng dầu trong nước là hoàn toàn đúng, nhưng do phải tính bình quân 30 ngày thì mới đủ căn cứ để khẳng định việc giảm giá. “Tôi khẳng định, nếu bình quân 30 ngày giá cơ sở giảm thì sẽ giảm giá xăng dầu trong nước ngay, giá xăng dầu đã phải giảm; còn việc tăng thì mới cần phải cân nhắc”-ông Hải nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thừa nhận, Nghị định 84 hiện hành vẫn còn nhiều khiếm khuyết, đặc biệt là chu kỳ tính giá cơ sở quá dài (30 ngày) nên giá xăng dầu luôn bị “lỗi nhịp” so với giá thị trường. “Nghị định sửa đổi Nghị định 84 đã ở giai đoạn dự thảo cuối cùng. Tất cả các nội dung của dự thảo đã được Chính phủ thống nhất, do vậy sẽ sớm ban hành trong nay mai”-ông Hải nói. Theo đó, thời gian tính giá cơ sở sẽ rút xuống còn 15 ngày nhằm đảm bảo việc tăng-giảm giá xăng dầu sát với diễn biến giá của thế giới.
Trong lúc chờ đợi nghị định xăng dầu mới thì mỗi quyết định điều hành giảm giá xăng dầu chậm như hiện nay vẫn sẽ làm cho người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt thòi.