Dân Việt

Quân đội Trung Quốc có nguy cơ đại bại vì tham nhũng

Bình Nguyên (Theo Reuters) 19/08/2014 19:30 GMT+7
Nhiều tướng lĩnh Trung Quốc quan ngại, nước này có thể chuốc lấy đại bại trước khi tham chiến sau khi hàng loạt đại án tham nhũng của quân đội bị phanh phui.

Trung Quốc hiện là nước đứng thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) về chi tiêu quốc phòng. Ngân sách quốc phòng của nước này ngày càng phình ra nhằm phục vụ mục đích tranh giành cái mà Bắc Kinh gọi là "các lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, việc một loạt các bê bối tham nhũng của giới chức quân sự vỡ lở khiến dư luận Trung Quốc đặt câu hỏi: Liệu quân đội nước này đang bảo vệ cái gì: túi tiền của họ hay sức mạnh quốc gia?

img Quân đội Trung Quốc sẽ đại bại vì tham nhũng?
 

Hồi tháng 7 năm nay, tướng Từ Tài Hậu, cựu Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, người nghỉ hưu từ năm 2013 bị đưa ra tòa án quân sự xét xử vì tội tham nhũng.

Trước đó, nước này từng cho bắt giữ thiếu tướng Cốc Tuấn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần quân đội giải phóng Trung Quốc vì tội danh tham nhũng, tống tiền, hối lộ và lạm dụng công quỹ. Khi khám xét cơ ngơi xa hoa của ông này, người ta tìm thấy tượng Mao Trạch Đông, bồn rửa mặt, mô hình tàu thuyền bằng vàng ròng...

Ngoài ra, còn phải kể đến các vụ bê bối nhận hối lộ của cựu Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Giả Khánh Lâm và Cục trưởng Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc, Thiếu tướng Cơ Đức Thắng.

img

Bức tượng Mao Trạch Đông bằng vàng ròng được tìm thấy trong dinh cơ của tướng Cốc Tấn Sơn.

Thiếu tướng Luo Yuan, một trong những chuyên gia quân sự hàng đầu của Trung Quốc bình luận: "Nếu những quan tham như Từ Tài Hậu hay Cốc Tuấn Sơn tiếp tục xuất hiện thì bao nhiêu tiền đổ vào lĩnh vực quốc phòng chỉ như muối bỏ bể".

Vị tướng này còn nhận xét: "Nếu tham nhũng trong quân đội Trung Quốc không được quét sạch, nước này sẽ chuốc lấy đại bại trước cả khi tham chiến".

Trung Quốc đang đẩy mạnh việc truy quét nạn tham nhũng trong quân đội từ cuối những năm 90 bằng cách cấm quân đội nước này tham gia vào hoạt động thương mại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lợi dụng nhiều khe hở trong luật pháp, một số quan chức quân đội Trung Quốc vẫn cố lách luật để kiếm lợi.

Các quan tham này hầu hết là những kẻ từng phải bỏ tiền ra mua chức tước, khi "chắc ghế" rồi muốn nhanh chóng "thu hồi vốn" bằng cách cho doanh nghiệp tư nhân thuê đất quân sự, bán các biển số xe quân sự, bán các căn hộ gán mác quân đội hoặc nhận tiền "lại quả" từ việc mua quân trang và nhu yếu phẩm.

Báo chí nước này gần đây cũng liên tục nhắc lại bài học tang thương trong lịch sử, về việc tệ tham nhũng từng khiến Trung Quốc thảm bại ra sao trong chiến tranh Thanh- Nhật cách đây 120 năm.

Tờ Study Times của Trung Quốc nhận định: "Vào cuối thời kỳ Mãn Thanh, quân đội Trung Quốc rệu rã vì quân luật lỏng lẽo, đào tạo hời hợt, quan trên thì mua chức bán tước, binh sĩ thì ngập ngụa trong các tệ nạn cờ bạc, gái gú, thuốc phiện".

Cho đến ngày nay, nhiều người Trung Quốc vẫn coi đó là một nỗi hổ thẹn không thể gột rửa.

Trung tướng Kun Lunyan phát biểu trên tờ Global Times: " "Lịch sử từng chứng minh, mối đe dọa lớn nhất với quân đội Trung Quốc không phải từ trận chiến mà từ nạn tham nhũng, hối lộ, làm mục rỗng từ bên trong".

Ông này tiếp tục khẳng định: "Tệ nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quôc hiện nay là nguy hiểm chưa từng có. Không lẽ chúng ta muốn bi kịch trong lịch sử lặp lại bởi chính quân đội của nước mình?".

Nhiều nhà quan sát cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng, việc chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến tính minh bạch trong quân đội gần đây có liên quan đến sự kiện kỷ niệm 120 năm cuộc chiến Thanh- Nhật, cuộc chiến mà quân đội của triều đình Mãn Thanh đại bại dưới tay phát xít Nhật.