Dân Việt

Chàng rể Tây loay hoay với cách xưng hô của người Việt

21/08/2014 07:00 GMT+7
Khi được giới thiệu với con gái riêng của chồng chị gái cùng cha khác mẹ với mẹ vợ tôi, trong con mắt của người đàn ông 38 tuổi như tôi, người phụ nữ ấy trông như bác, có khi phải gọi là bà, vậy mà tôi lại được dặn gọi là chị, một chàng rể Tây tâm sự.
Guardian Weekly thường đăng tải những bức thư của độc giả gửi về từ khắp nơi trên thế giới kể về cuộc sống và con người nơi đó. Dưới đây là chia sẻ về những khó khăn của Connla Stokes, một chàng rể Việt, trong việc xưng hô với người thân và họ hàng vợ tại Việt Nam.
img
Trong con mắt của chàng rể ngoại 38 tuổi, văn hóa xưng hô của người Việt đặc biệt và khó. Ảnh minh họa: Guardian.

"Nhân dịp giỗ một người bác của vợ tôi ở TP HCM, đại gia đình chúng tôi có dịp gặp mặt và từ đây, nhiều tình huống xưng hô lạ lùng khiến tôi bối rối.

Lúc nói chuyện, người Việt thường căn cứ vào mối quan hệ họ hàng để xưng hô cho chính xác. Nhờ cách xưng hô này, mọi người sẽ biết mình thuộc hàng ông bà hay con cháu và ai sẽ là người rửa bát sau bữa ăn (có thể sẽ là phụ nữ cấp bậc thấp nhất và ít tuổi nhất trong nhà).

Đặc biệt khi người nào đó trong gia đình kết hôn lần hai, cách xưng hô giữa các thế hệ sẽ còn rắc rối hơn. Lần đó, tôi được giới thiệu với con gái riêng của chồng chị gái cùng cha khác mẹ với mẹ vợ tôi. Trong con mắt của người đàn ông 38 tuổi như tôi, người phụ nữ ấy trông như bác, có khi phải gọi là bà, vậy mà tôi lại được dặn gọi là chị còn ông xã 70 tuổi của chị ấy thì gọi là anh.

Trong bữa giỗ hôm đó, anh là người nhiều tuổi nhất nhưng theo tôn ti trật tự, người đàn ông ấy thậm chí còn không ngang hàng với nhiều người trong bữa tối. Anh gượng gạo gọi bố vợ tôi là chú.

Ngồi vào mâm, màn thực hành xưng hô bắt đầu khi đứa cháu trai 35 tuổi nhắc cô con gái 10 tuổi chào tôi là ông và con trai 4 tuổi của tôi là chú. Lúc ấy, cậu nhóc nhà tôi còn bận nhõng nhẽo dưới gầm bàn và chẳng để ý đến việc ai vừa chào nó. Vì vợ tôi là con cả trong gia đình nên con trai của em gái cô ấy phải gọi con tôi là anh dù lớn hơn nhiều.

Người Việt thường dùng ngôi thứ ba. Thứ bậc của một người sẽ quyết định cách xưng hô của họ trong các mối quan hệ gia đình. Ví dụ, một bà mẹ sẽ xưng là "mẹ" hoặc "má" khi nói chuyện với con cái. Điều này rất có ích khi bạn có mặt trong buổi gặp gỡ với những họ hàng mà bạn có thể hoặc không biết.

Trong một lần họp mặt khác, vợ bảo tôi chào một phụ nữ trung niên có vai vế cao nhất phía nhà bố vợ. Tôi hỏi tên của người đó thì vợ tôi nhún vai tỏ ý không biết. Cô ấy không nhớ và điều này cũng chẳng quan trọng. "Chỉ cần chào là bác thôi", vợ tôi dặn.

Ngoài mối quan hệ gia đình, người Việt cũng thích dùng lối xưng hô theo độ tuổi. Bạn có thể hỏi tuổi trực tiếp. Khi hai người cùng tuổi lần đầu gặp nhau, họ sẽ cố gắng đoán qua vẻ bề ngoài hoặc lối giao tiếp xem ai là người lớn hơn. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng. Vợ tôi tỏ ra hối hận khi phát hiện ra người mà cô ấy gọi là chị bấy lâu nay lại ít tuổi hơn mình.

Với những người chưa nói thạo tiếng Việt thì xưng hô trở thành vấn đề khó với họ. Để thể hiện sự tôn trọng với khách hàng, ông chủ tiệm bánh tôi hay ghé mua ở Hà Nội thường nói "chào anh" khi gặp tôi nhưng trong hoàn cảnh này nhẽ ra phải là "chào em" thì đúng hơn. Thấy anh ấy chào tôi là anh, tôi chào lại là "chào em".

Nghe vậy, chủ cửa hàng bảo tôi: "Anh không thể gọi tôi là em được vì anh ít tuổi hơn tôi. Hãy gọi tôi là anh".