Sử ghi, năm 1418, do quân Minh (Trung Quốc) xâm lược nước ta, người anh hùng áo vải Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng đứng lên phất cờ khởi nghĩa, và phải trải mười năm trường kỳ kháng chiến chống giặc tham tàn, nhân dân ta mới giành được chiến thắng.
Quân Minh, năm vạn tên bị tiêu diệt, một vạn tên bị bắt sống, một lực lượng lớn tháo chạy qua sông Ninh Giang bị chết đuối nhiều đến mức "làm nghẽn cả khúc sông Ninh Giang". Các tướng chỉ huy của chúng, hoặc bị thương, hoặc bị giết tại trận…
Ngay sau khi quét sạch bọn xâm lăng ra khỏi cõi bờ, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã “cáo” tội ác tày trời của bọn chúng, nào bắt dân lên rừng săn voi lấy ngà, nào xuống biển mò trai kiếm ngọc…, ông không quên nêu ra tấm lòng nhân đạo có một không hai của toàn dân Việt trong công cuộc kháng chiến “bình Ngô” đầy tính nhân văn: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Kỳ trước, chúng tôi tiến quan (sắp qua cửa quan) thì nó xướng rằng: “Di quan kiến” (quan rợ ra mắt). Kỳ này chúng tôi cũng có đầu văn nơi quan phủ viện đạo đạt xin gửi tờ sức cho các đạo phủ rằng, phàm trong nghi lễ, văn thư sẽ thôi dùng chữ di quan.
Tối hôm ấy quan Bố chính họ Diệp truyền cho hai quan lên công đường, hỏi thăm cống sứ chuyến này đi dọc đường vất vả ra sao, đồng thời truyền đạt lời họ Diệp rằng: “Các ngài nói rất hay, rất điệu”, và nói: Xưa nay nước tôi vẫn xem vua Thuấn ở Gia Phùng, là người rợ bên Đông, vua Văn Vương sinh ở Kỳ Chu, là người rợ bên Tây. Vậy chữ di vốn không phải có ý khinh nhờn quý quốc. Nay sứ thần đã đem sự này bày tổ nên lời, thì đã được nhờ ơn quan tuần phủ bằng lòng nghe. Đã gửi một ống công văn truyền cho đạo Tả Giang và các phủ. Dặn từ rày về sau đừng hô chữ di nữa mà xưng là cống sứ nước An Nam. Sứ có thể về thưa với vương quốc được rõ. Và ban hành cho các nơi tờ văn báo từ rày bỏ chữ quan rợ.
Di vốn là cung hợp với qua/ Nước Nam văn hiến giống Trung Hoa
Từ xưa tên nước rành rành đó/ Viết bậy là di há chẳng ngoa?
Bài thơ đã dùng phép chiết tự chữ di mà quan nhà Thanh dùng. Chữ di (nho) gồm chữ cung và chữ qua hợp lại. Câu thơ có nghĩa là: các ông coi chúng tôi là man di nhưng di ở đây là di có sức mạnh cung và mác, đã làm cho thiên triều phải khiếp sợ, chứ không phải là mọi rợ đâu.Bài thơ tỏ ý phản đối thái độ xấc xược của quan lại Trung Hoa vừa cương nghị, vừa khéo léo, sâu cay mà vẫn giữ được hòa khí. Nghe nói viên quan nhà Thanh rất thán phục, và dường như từ ấy triều đình Trung Quốc đã chính thức “sửa sai”.
Bởi theo tác giả Nguyễn Văn Hoàn trong bài viết Hồi ức chuyến đi sưu tầm tài liệu Nguyễn Du ở Trung Quốc, đăng trên Tạp chí Hồn Việt: Tháng 6.1963, đoàn cán bộ Viện Văn học đến Bắc Kinh để tìm các sử liệu và sách cổ Trung Quốc có quan hệ về cốt truyện với Truyện Kiều của Nguyễn Du, được Phó Thủ tướng Lục Định Nhất đón tiếp. Thể theo yêu cầu, đoàn được vào phòng tranh trong vườn thượng uyển, ở sâu phía trong Cố cung. Tại đây đoàn được xem một bức tranh khổ lớn, nhan đề Vạn quốc lai triều, ở một góc có vẽ một nhóm người mang cờ đề An Nam sứ đoàn…
Như vậy, muộn lắm cũng vào thời điểm Nguyễn Du làm Chánh sứ đoàn tuế cống sang triều Thanh trong những năm Quý Dậu và Giáp Tuất (1813, 1814), Trung Quốc mới chịu tôn trọng Việt Nam, không dùng những từ “di quan”, “quan rợ” hoặc “man di”, “mọi rợ” nữa!
Tuy nhiên các quan ngoài của họ vẫn quen theo thói cũ. Sử chép, dưới triều Minh Mạng, vào năm 1831, thuyền của quan nhà Thanh là Trần Khải cùng binh lính gặp bão, dạt vào vùng biển nước ta. Họ đã được các quan lại địa phương giữ lại và chu cấp cho ăn uống đầy đủ. Để giữ quan hệ hữu hảo với nhà Thanh, triều đình nhà Nguyễn đã phái Lý Văn Phức làm Chánh sứ sang tỉnh Phúc Kiến để trao trả quân lính Thanh.
Đến nơi trao đổi, khi lên bờ Lý Văn Phức cùng đoàn công cán nước ta thấy quan nhà Thanh đã treo bảng đề nơi sứ quán ta ở là Việt Nam di sứ quán. Ông cùng các tùy tướng nhất định không vào. Ông nói với quan nhà Thanh: “Nước ta không phải là man di, nên ta không vào chỗ này”. Quan sở tại là Hoàng Trạch Trung phải tới xin lỗi và cho thay bằng hàng chữ Việt Nam quốc sứ công quán. Khi đó, ông mới chịu vào và bàn bạc, trao cho nhà Thanh danh sách các quan lại và binh lính họ đã bị bắt giữ vì bão đánh trôi dạt vào vùng biển nước ta. Ông đã làm hai bài biện luận Di biện nói rõ thế nào là man di, do đó không thể gọi nước Việt Nam là man di. Quan nhà Thanh đã phải công nhận và bỏ thái độ coi khinh người nước ta.
Từ ấy hai nước quan hệ ngoại giao trên tinh thần hữu hảo… Nhưng thật đáng tiếc, gần đây “chứng nào tật ấy”, lớn tiếng đòi chiếm biển của láng giềng hữu nghị, ức hiếp cả thuyền của dân.
Họ đã tỏ ra quá hung hăng, còn thốt lên những lời lẽ bất lịch sự và đầy ngạo mạn như thế để được gì, hay đã khiến các nước trên thế giới thêm bất bình, đến nỗi tại cuộc Hội thảo thường niên lần thứ tư về biển Đông, do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức ở Washington (Mỹ) tối 10.7.2014, quy tụ các học giả hàng đầu thế giới gồm: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Philippines, và Việt Nam, trước hành động gây hấn, hiếu chiến một cách liều mạng của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhiều người, trong đó có ông Mike Rogers, thành viên đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Mỹ của Hạ viện Mỹ, bức xúc: “Đã đến lúc thay đổi cuộc đối thoại của chúng ta và không cần phải tỏ ra quá lịch sự trong ngôn từ ngoại giao…”.
Phải chăng từ thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, và qua cao trào đấu tranh ủng hộ quan điểm, lập trường Việt Nam của nhân dân khắp thế giới và những thái độ phản đối thẳng thừng ấy như giọt nước làm tràn ly, khiến “con cọp giấy” không thể không hoảng vía, bèn ra lệnh cho giàn khoan và hàng trăm tàu hộ tống tức tốc chuyển về Hải Nam chỉ trong 5 ngày sau đó?